Nhu cầu cho một ủy ban nghiên cứu dioxin
Sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, hai thành phần được công nhận là chịu ít nhiều ảnh hưởng của dioxin: đồng bào Việt Nam sống trong các vùng bị rải AO, và cựu quân nhân Mĩ, những người trực tiếp rải hóa chất này. Sau năm 1975, một số cựu chiến binh Mĩ và thân nhân của họ bắt đầu phàn nàn tình trạng suy đồi sức khỏe, đặc biệt là ung thư, và tình trạng khuyết tật trong con cái của họ. Những cựu chiến binh này nghi ngờ rằng dioxin (mà họ từng tiếp xúc trong thời chiến) là thủ phạm của những bệnh tật như thế. Họ vận động với chính phủ, và một số thượng nghị sĩ cũng khẳng định rằng AO, hay dioxin, là độc chất gây ra bệnh tật cho giới cựu chiến binh, và kêu gọi chính phủ phải bồi thường cho những thiệt hại này. Tiếp theo đó, Bộ cựu chiến binh (Department of Veterans Affairs) bắt đầu tiến hành thủ thục bồi thường cho những cựu chiến binh mắc bệnh những bệnh mà họ cho là có liên quan đến dioxin [1]. Những bệnh này là:
· Ban clor (Chloracne) và những bệnh như ban clor xảy ra sau khi tiếp xúc với chất màu da cam trong vòng 1 năm;
· Ung thư dạng Hodgkin;
· Ung thư dạng không-Hodgkin;
· Đa u tủy (Multiple myeloma);
· Các bệnh thần kinh cấp tính và hơi cấp (Acute và subacute peripheral neuropathy);
· Bệnh rối loạn chuyển hóa porphyrin (Porphyria cutanea tarda) xảy ra sau khi tiếp xúc với chất màu da cam trong vòng 1 năm;
· Ung thư tuyến tiền liệt (prostate cancer);
· Ung thư hệ thống hô hấp (như ung thư phổi, thanh quản, bướu giáp, khí quản) và phải xảy ra trong vòng 30 năm từ khi tiếp xúc với chất màu da cam;
· Ung thư các mô mềm (soft tissue carcinoma);
· Bệnh tiểu đường loại II.
Ngoài ra, Bộ cựu chiến binh còn chấp nhận bồi thường những cựu chiến binh (hay nói đúng hơn là con em họ) có con bị hai chứng bệnh nứt đốt sống (spina bifida) và các bệnh mang tính dị tật bẩm sinh.
Quyết định bồi thường của Bộ cựu chiến binh không dựa vào bằng chứng khoa học, và cũng không dựa vào những nghiên cứu trên các cựu chiến binh, mà dựa vào cố vấn của Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mĩ.
Nhưng ý kiến dioxin là thủ phạm của những vấn đề sức khỏe trong giới cựu chiến binh bị một số nhà nghiên cứu y khoa thách thức. Các nhà nghiên cứu này trình bày dữ kiện cho thấy không có một sự liên đới nào giữa AO hay dioxin và ung thư. Nhận xét này cũng phù hợp với một nghiên cứu ở Úc, mà trong đó các nhà nghiên cứu Úc không tìm thấy mối liên hệ nào giữa dioxin và các vấn đề sức khỏe trong cựu quân nhân Úc từng tham chiến ở Việt Nam.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi một số nhà nghiên cứu khác trình bày dữ kiện cho thấy dioxin có thể gây ra ung thư, dị thai, và một loạt tác hại khác cho sức khỏe. Một cuộc tranh luận “nóng” giữa các nhà nghiên cứu xảy ra trên các tập san y học. Các nhà nghiên cứu y học thường rất bình tĩnh, lạnh lùng, và ôn hòa trong lời văn chữ viết, nhưng trong cuộc tranh luận này, đã có lúc họ dùng đến những danh từ nặng cảm tính như “huyền thoại” (myth), “sai lầm” (wrong, mistake) …
Để giải quyết tình trạng bất đồng ý kiến này, chính phủ Mĩ đã chi ra một ngân khoảng rất lớn (140 triệu Mĩ kim) để ủy nhiệm một số chuyên viên khoa học và bác sĩ tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của dioxin trong sức khỏe của cựu chiến binh Mĩ. Cuộc nghiên cứu này được lấy tên chiến dịch rải AO, tức là “The Operation Ranch Hand Study” [2]. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu theo dõi tình trạng sức khoẻ của hai nhóm cựu chiến binh từng tham gia vào chiến dịch này trong thời chiến tranh: nhóm I gồm khoảng 1000 người từng trực tiếp rải AO xuống Việt Nam; và nhóm II có khoảng 1300 người không trực tiếp rải chất AO, nhưng có mặt trong nhà kho, bảo quản chất AO trong thời chiến tranh. Trong thời gian từ 1982, 1985, 1987, 1992, 1997, và 2002, mỗi cựu chiến binh (nếu còn sống) được khám để thu thập số liệu liên quan đến độ tích tụ dioxin, và quá trình phát triển bệnh tật. Một loạt báo cáo khoa học đã được công bố trên các tạp san y khoa danh tiếng, và kết quả có thể được tóm tắt như sau:
(a) Tử vong. Nói chung, không có sự khác biệt đáng kể về tỉ lệ tử vong giữa hai nhóm. Tuy nhiên, nhóm rải AO (nhóm I) có tỉ lệ chết vì bệnh tim mạch cao hơn nhóm II.
(b) Bệnh tiểu đường. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng dioxin có khả năng làm tăng sự nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, làm giảm độ insulin và dung nạp glucose (glucose tolerance). Tỉ lệ bị bệnh tiểu đường trong nhóm I cao hơn trong nhóm II khoảng 5%.
(c) Bệnh ung thư. Trong một bài báo đăng trên Tập san American Journal of Epidemiology, các nhà khoa học kết luận rằng không có mối quan hệ nào giữa dioxin và ung thư da, ung thư tiền liệt.
(d) Hệ thống miễn dịch. Kết quả nghiên cứu trong hai nhóm cựu chiến binh cho thấy không có mối liên hệ nào giữa dioxin và các chỉ số sinh hóa như lymphocytes, immunoglobulin, tế bào clonal B, v.v… Ngoài ra, các nhà nghiên cũng cứu không phát hiện ảnh hưởng của dioxin đến hồng huyết cầu hay bạch huyết cầu, hay haematocrit, haemoglobin, hay ESR.
(e) Dùng số liệu từ năm 1982 đến 1997, các nhà nghiên cứu ước lượng rằng tính trung bình, mức độ tồn tại trung bình của dioxin trong cơ thể là khoảng từ 7 đến 8,2 năm.
Nhưng những kết quả nghiên cứu trên đây bị giới cựu chiến binh chất vấn một cách mạnh mẽ. Sau khi điều tra và thậm định lại các phương pháp nghiên cứu và cách thức làm việc của các nhà khoa học dính dáng đến chương trình này, một số cựu chiến binh phát hiện nhiều vấn đề nghiêm trọng. Chẳng hạn như có 2 báo cáo về tình trạng dị thai trong các cựu quân nhân bị nhiễm dioxin ở mức độ cao, nhưng không được công bố. Lại còn có một báo cáo về mối liên hệ giữa dị thai và dioxin bị thay đổi từ ngữ làm cho kết quả kém quan trọng. Phần lớn các nhà khoa học làm việc trong chương trình nghiên cứu này là quân nhân, họ chịu ảnh hưởng từ các cấp chỉ huy cao hơn trong việc phân tích số liệu, và điều này làm cho người ta có lí do để chất vấn tính trung thực của việc làm của họ.
Trong hơn 30 năm qua, ngoài cuộc khảo cứu trong các cựu quân nhân tham gia vào chiến dịch Operation Ranch Hand, còn có một số nghiên cứu khác. Nhưng như đề cập trên, kết quả của các nghiên cứu này thường không nhất quán, và gây ra hoang mang, hiểu lầm trong công chúng. Quốc hội Mĩ đã ủy nhiệm cho Viện Y khoa (Institute of Medicine, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học) duyệt xét và tóm tắc các kết quả nghiên cứu. Để làm việc này, Viện Y khoa thành lập một ủy ban khoa học (gọi là “Committee to Review the Health Effects in Vietnam Veterans of Exposure to Herbicides) để xem xét, cân nhắc phương pháp và kết quả nghiên cứu và từ đó tổng kết thành một báo cáo cho chính phủ.
Ủy ban này gồm có 11 nhà khoa học từ các trường đại học và viện nghiên cứu trên toàn nước Mĩ, do Giáo sư Irva Hertz-Picciotto (thuộc Trường đại học North Carolina), một chuyên viên về dịch tễ học, chủ trì. Ủy ban làm việc dựa trên nhiều nguồn thông tin. Thứ nhất, họ duyệt qua và cân nhắc tất cả các nghiên cứu liên quan đến hóa chất dioxin và sức khỏe của con người (kể cả các nghiên cứu trên cựu chiến binh) được tiến hành trong thời gian hơn 30 năm qua trên khắp thế giới. Thứ hai, ủy ban tổ chức các cuộc hội thảo khoa học để đánh giá các nghiên cứu đã công bố và đang còn tiến hành. Thứ ba, ủy ban còn tổ chức các buổi mít-tinh với những cá nhân quan tâm để lắng nghe, ghi chép và thảo luận ý kiến của người tham gia.
Ủy ban xét đến ba khía cạnh khoa học sau đây để đi đến kết luận:
(a) Mối liên hệ thống kê giữa các hóa chất và bệnh tật. Ủy ban cũng xem xét đến các vấn đề liên quan đến phương pháp nghiên cứu (như thiết kế nghiên cứu, phương pháp phân tích thống kê, và cách diễn dịch dữ kiện) xem có thích hợp và đạt chuẩn khoa học hay không.
(b) Ủy ban thẩm định bằng chứng xem những người từng bị nhiễm hay tiếp xúc với độc chất (kể cả các cựu chiến binh) có nguy cơ bị bệnh cao hơn trung bình hay không.
(c) Nếu có một mối liên hệ có ý nghĩa thống kê, ủy ban còn xem xét mối liên hệ đó có cơ sở sinh học hay không.
Phân loại tác hại dioxin
Kết quả làm việc của ủy ban được tóm lược trong một báo cáo đệ trình lên Viện hàn lâm khoa học Mĩ và chính phủ Mĩ. Bản báo cáo thứ nhất có tên là “Veterans and Agent Orange: Update 1996” (Cựu chiến binh và chất màu da cam: cập nhật thông tin 1996) được công bố vào Tháng Ba năm 1996. Nhưng mỗi năm có nhiều nghiên cứu liên quan đến đề tài này, nên Ủy ban phải liên tục cập nhật hóa và đánh giá lại bằng chứng. Do đó, cứ mỗi hai năm, họ lại cho xuất bản một bản báo cáo mới. Tiếp theo bản báo cáo năm 1996 là bản báo cáo “Agent Orange: Update 1998”, “Agent Orange: Update 2000”, và mới nhất là “Agent Orange: Update 2002” [3]. Trong mỗi báo cáo họ chia mối liên hệ giữa ảnh hưởng của dioxin và sức khỏe thành bốn nhóm:
Nhóm 1 là những bệnh mà bằng chứng nghiên cứu khoa học đã rõ ràng trong các nghiên cứu và loại trừ khả năng ảnh hưởng của các yếu tố phụ và yếu tố ngẫu nhiên. Chẳng hạn như nếu có nhiều nghiên cứu nhỏ nhưng tất cả cùng phát hiện một mối liên hệ giữa dioxin và bệnh, thì các kết quả nghiên cứu này được xếp vào nhóm 1. Cho đến nay, Ủy ban nhận định rằng đã có đầy đủ bằng chứng khoa học để kết luận về mối liên hệ giữa dioxin và các bệnh sau đây:
· Ung thư bạch cầu dòng lympho dạng mãn tính (Chronic lymphocytic leukemia, CLL)
· Ung thư mô mềm (Soft-tissue sarcoma)
· Ung thư dạng không-Hodgkin (Non-Hodgkin”s lymphoma)
· Ung thư dạng Hodgkin (Hodgkin”s disease)
· Ban clor (Chloracne)
Nhóm 2 là những bệnh mà bằng chứng chưa mấy rõ ràng. “Chưa rõ ràng” có nghĩa là có bằng chứng về mối liên hệ, nhưng khả năng ảnh hưởng của các yếu tố phụ và yếu tố ngẫu nhiên không thể loại bỏ. Chẳng hạn như trong số 5 nghiên cứu, có một nghiên cứu cho thấy một mối liên hệ, còn 4 nghiên cứu khác không phát hiện mối liên hệ nào, thì mối liên hệ này được xếp vào nhóm 2. Những bệnh nằm trong nhóm 2 là:
· Ung thư hệ thống hô hấp (ung thư bronchus, larynx, and trachea)
· Ung thư tuyến tiền liệt (Prostate cancer)
· Bệnh đa u tủy (Multiple myeloma)
· Một số bệnh thần kinh cấp tính (Acute and subacute transient peripheral neuropathy)
· Rối loạn chuyển hóa porphyrin trong da (Porphyria cutanea tarda)
· Bệnh tiểu đường dạng II (Type 2 diabetes)
· Chứng nứt đốt sống (Spina bifida) trong các con em của cựu chiến bình.
Nhóm 3 là những bệnh mà nghiên cứu khoa học chưa đưa ra đầy đủ bằng chứng để kết luận. Ở đây, kết quả các nghiên cứu chưa nhất quán, hay công trình nghiên cứu có vấn đề về phương pháp, kém chất lượng, chưa đạt các tiêu chuẩn khoa học. Ví dụ như những nghiên cứu không phân tích các yếu tố phụ, không xem xét đến các yếu tố ngẫu nhiên, hay phân tích dữ kiện không đúng phương pháp, hay số lượng đối tượng nghiên cứu quá ít để kết luận. Kết quả trong những nghiên cứu như thế được xếp vào nhóm 3.
Nhóm 4 là những bệnh mà bằng chứng tuy còn hạn chế những có thể kết luận rằng không có liên hệ với dioxin. Trong nhóm này, các nghiên cứu có chất lượng cao đều cho ra một kết quả nhất quán rằng không có một mối liên hệ nào giữa dioxin và bệnh. Tuy nhiên, dù nghiên cứu có phát hiện dioxin tăng nguy cơ bị bệnh và nguy cơ này rất nhỏ (chẳng hạn như 5%) thì bằng chứng cũng được xếp vào nhóm 4.
Vài nhận xét
Ngày nay, mỗi khi người Việt Nam nói đến tác hại của dioxin và chấu màu da cam, người Mĩ liền nói đến vấn đề “bằng chứng”. Họ hàm ý cho rằng chưa có đủ bằng chứng về tác hại của dioxin trong người Việt Nam. Nhưng trong thực tế dioxin đã được người Mĩ thừa nhận là có tác hại đến sức khỏe con người, thì hà cớ gì người Mĩ lại đòi bằng chứng từ phía Việt Nam? Như tôi đã trình bày trong Chương I, có bằng chứng cho thấy trước khi rải chất màu da cam xuống Việt Nam, giới quân sự Mĩ đã biết được chất này là độc hại, nhưng vì lúc đó họ coi người Việt là kẻ thù nên họ không quan tâm gì cả. Người Mĩ không có lí do tốt để nói đến “bằng chứng”.
Qua nhận định của Viện Y khoa, không ai còn nghi ngờ sự độc hại của dioxin trong con người. Nhưng chứng minh sự ảnh hưởng của dioxin trong sức khỏe con người vẫn còn là một thách thức lớn của khoa học. Ngoài một số bệnh ung thư mà giới khoa học đã có đầy đủ bằng chứng để cho rằng dioxin là một nguyên nhân chính, một số bệnh khác vẫn còn trong vòng nghi vấn hay cần thêm bằng chứng.
Ở Việt Nam, sự hiện diện của dioxin trong môi trường ở một số vùng và ở một mức độ có hại cho sức khoẻ là một thực tế không ai có thể chối cãi. Nhưng nếu kết quả của các nghiên cứu ở Mĩ và Ý đem vào áp dụng cho tình hình Việt Nam, người ta có thể nói rằng đã có nhiều nạn nhân dioxin đã bỏ mạng, và nhiều người vẫn còn đang sống với ảnh hưởng của độc chất này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét