Poisondioxin

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Bí mật chiến dịch rải chất diệt lá của Mỹ tại Việt Nam (3)

Khi chính quyền Nixon bắt đầu thực hiện chính sách giảm dần sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng vào năm 1969, Chiến dịch Ranch Hand cũng vì đó chịu nhiều sức ép và cuối cùng phải chấm dứt.
Cuối năm 1969, biệt đội rải hoá chất độc của không quân Mỹ xuống Việt Nam nhận được lệnh giảm bớt 30% hoạt động. Trong thời gian này, Thượng viện Mỹ cũng đang tranh cãi về việc thông qua Công ước Geneva cấm tiến hành chiến tranh bằng vũ khí sinh học và hoá học. Tổng thống Nixon ủng hộ việc phê chuẩn nhưng muốn đảm bảo rằng, Công ước Genevakhông áp dụng đối với chất diệt lá và những “hoá chất chống bạo loạn”. Lúc đó chính quyền Nixon cũng có nhiều lý do chính trị để muốn dừng hoàn toàn Chiến dịch Ranch Hand.
Năm 1969, một nghiên cứu của Mỹ được công bố cho thấy, khi thí nghiệm trên chuột thì những thành phần của chất độc da cam sẽ dẫn tới việc sinh con quái thai, hoặc thai nhi chết ngay khi sinh. Trong khi đó, báo chí miền nam Việt Nam cũng đăng tải nhiều thông tin về việc chất độc da cam đã gây ra những khiếm khuyết của trẻ sơ sinh địa phương.
3 chuyến bay cuối cùng của những chiếc C-123 trong Chiến dịch Ranch Hand rải chất diệt lá và phá hoại mùa màng ở Việt Nam diễn ra vào ngày 7/1/1971, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận ngày nay. Đến ngày 31/10 cùng năm, chiếc trực thăng chuyên đi rải chất diệt lá của Mỹ cũng tiến hành chuyến bay cuối cùng tại Việt Nam. Sau đó, hoạt động bị dư luận chỉ trích và lên án này bị ngưng vĩnh viễn sau 9 năm liên tục.
Nhưng sự chấm dứt của Chiến dịch Ranch Hand cũng không thể kết thúc cuộc tranh cãi về việc rải chất độc diệt lá trên diện rộng tại Việt Nam đã ảnh hưởng như thế nào đến hệ sinh thái và sức khỏe con người địa phương, cũng như những người Mỹ từng phục vụ tại đó. Theo một quyết định của quốc hội Mỹ, năm 1970 Bộ Quốc phòng nước này hợp đồng với Học viện khoa học quốc gia để nghiên cứu những ảnh hưởng của chất diệt lá tại Việt Nam, một cuộc nghiên cứu mà các nhà khoa học dân sự mong muốn từ lâu. Sau 3 năm, họ cũng thừa nhận chất diệt lá có gây ra những ảnh hưởng đối với trẻ em.
Một nạn nhân của chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.
Một nạn nhân của chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam
Vấn đề tác hại của chất diệt lá ở Việt Nam đối với sức khoẻ con người được khơi dậy vào ngày 22/3/1978, khi truyền hình Chicago phát một bản tin cho biết, có 41 cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam sống ở Midwest bị ảnh hưởng vì phơi nhiễm chất độc da cam trong Chiến dịch Ranch Hand. Những năm sau đó, ảnh hưởng của chất diệt lá đối với các cựu binh trở thành một chủ đề được quan tâm rộng rãi của giới khoa học và chính trị tại Mỹ.
Những người phản đối việc sử dụng chất diệt lá trong chiến tranh Việt Nam tiếp tục đặt câu hỏi về tác hại của nó, đặc biệt là chất độc da cam, đối với sức khoẻ con người. Theo nhiều tài liệu, quân đội Mỹ sử dụng 10 loại chất diệt lá khác nhau tại Việt Nam, phần lớn là biến thể của chất 2,4-D (D chỉdichlorophenoyxyacetic acid) hoặc 2,4,5-T (T chỉ trichlorophenoxyacetic acid). Các tên gọi như “chất độc da cam”, “chất độc hồng”, “chất độc lục”, “chất độc tía”, “chất độc xanh”… là căn cứ trên những dải sơn của các thùng hoá chất sử dụng trong Chiến dịch Ranch Hand (mỗi thùng chứa 55 gallon). Trong đó, những thùng sơn màu da cam được xem là nguy hiểm nhất vì có chứa dioxin.
Ngày 17/4/1995, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, sau khi Mỹ rải hoá chất diệt lá ở Việt Nam thì mức độ dioxin có trong những người sống ở miền nam cao gấp 900 lần so với những người sống ở miền bắc. Phát hiện này cho thấy, những người ở miền nam Việt Nam từng bị phơi nhiễm trong chiến dịch rải hoá chất của Mỹ có nguy cơ rất cao mắc chứng bệnh ung thư, các căn bệnh về đường sinh sản và những vấn đề sức khoẻ khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét