Chiến dịch Ranch Hand là mật danh chỉ hoạt động phun hoá chất khai quang của không quân Mỹ xuống Việt Nam từ năm 1962 đến 1971. Hợp chất có chứa độc tố kinh khủng nhất mà con người biết đến là dioxin này đã gây ra những hậu quả dai dẳng đối với con người và môi trường ở Việt Nam.
Trước chiến dịch này, đã có một cuộc tranh cãi gay gắt trong Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ. Một bên cho rằng chất diệt lá là phương tiện hiệu quả và kinh tế nhất để phá hoại những khu rừng đang che chở cho quân đội của đối phương, nhưng một bên lại nghi ngờ tính hiệu quả của chiến thuật này và lo ngại chiến dịch có thể ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa Mỹ với người dân Việt Nam. Theo những người phản đối, hoạt động này cũng sẽ khiến Mỹ bị buộc tội đang tiến hành một hình thức của cuộc chiến tranh hoá học.
Bộ Quốc phòng Mỹ nhìn chung ủng hộ kế hoạch phá hoại bằng hóa chất mùa màng và cây cối có lợi cho quân đội miền bắc Việt Nam. Nhưng một số nhân vật có ảnh hưởng trong Bộ Ngoại giao Mỹ, mà nổi bật là Roger Hilsman và Averell Harriman, lại kiên quyết phản đối ý định này. Theo họ không có cách nào có thể đảm bảo rằng chỉ có mùa màng và cây cối của “Việt Cộng” (cách mà phía Mỹ gọi lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam) mới bị tiêu diệt. Ngoài ra những sai lầm không thể tránh khỏi trong hoạt động này sẽ khiến nông dân ở miền nam Việt Nam trở nên căm ghét người Mỹ.
Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. |
Nhưng ngày 30/11/1961, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã thông qua trên nguyên tắc việc sử dụng chất diệt lá tại chiến trường Việt Nam. Đến ngày 2/10/1962, Nhà Trắng cho phép bắt đầu tiến hành rải một cách hạn chế loại hoá chất diệt lá thông qua Chiến dịch Ranch Hand. Bản thân cái tên Ranch Hand không có ý nghĩa gì đặc biệt và chỉ là một trong những mật danh tương tự như kiểu Farm Gate hayBarn Door mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam.
Biệt đội thực hiện Chiến dịch Ranch Hand được thành lập với 6 máy bay. Giai đoạn đỉnh cao của chiến dịch này vào năm 1969, biệt đội có tới 25 máy bay đặc chủng các loại. Cơ cấu tổ chức của biệt đội thay đổi theo thời gian. Trong giai đoạn cao điểm nhất của hoạt động rải chất diệt cỏ và rụng lá từ 1966-1970 nó được biết đến với tên gọi Phi đội biệt kích đường không số 12 (12th Air Commando Squadron) hay Phi đội chiến dịch đặc biệt số 12 (12th Special Operations Squadron). Về mặt nhân sự và phương tiện, Ranch Hand là một phần trong toàn bộ các chiến dịch của không quân Mỹ ở vùng Đông Nam Á.
Những cánh rừng trụi lá ở Việt Nam. |
Mục tiêu của Mỹ trong việc sử dụng chất diệt lá là tạo ra những vùng đất mà cây cối không thể mọc ở miền nam Việt Nam. Qua đó loại bỏ lớp nguỵ trang tự nhiên của quân đội từ miền bắc Việt Nam đang âm thầm tiến vào giải phóng miền nam tổ quốc.
Dọc các con đường, kênh rạch, và đường sắt huyết mạch, quân đội Mỹ cũng dùng hoá chất khai quang cây cối, nhằm tạo ra những “khu vực trắng” rộng hàng trăm mét gây khó khăn cho hoạt động phục kích của quân du kích.
Trên chiến trường Lào, Mỹ cũng dùng chất diệt lá để xoá sổ những khu rừng đang che chở cho mạng lưới giao thông và đường mòn bí mật che cho quân giải phóng miền nam Việt Nam. Ngoài ra, họ còn có ý định qua đó khiến đối phương dễ dàng lộ diện và bị tấn công từ trên không. Những khu vực nghi có các căn cứ của quân giải phóng đều bị Mỹ tập trung rải dày đặc loại hoá chất diệt lá. Nhưng có một điều mà từ các nhà khoa học đến người dân bình thường đều có thể hình dung ra, đó là khi hoá chất độc hại đã được rải xuống môi trường thì không chỉ có cây cối, mùa màng mà chính những thường dân không hề có bất cứ phương tiện bảo vệ nào cũng sẽ bị nhiễm độc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét