Poisondioxin

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Chất hủy diệt đến từ bầu trời

Ngày 13-1-1962, ba máy bay C-123 của không lực Mỹ rời sân bay Tân Sơn Nhất để khởi đầu một chiến dịch mới mang tên “Ranch Hand” (Bàn tay trang trại). Chiến dịch này đã làm cho cuộc chiến VN trở nên không có hồi kết.
Bay là là trên mặt đất ở độ cao khoảng 50m với tốc độ khoảng 240km/g, những chiếc C-123 đã rải xuống một chất độc mà nhiều thập niên sau đó chỉ riêng cái tên của nó không thôi đã là nỗi kinh hoàng: chất độc da cam!
Sự leo thang da cam
Với lý do “chưa đủ hiệu quả”, đến tháng 9-1962 chiến dịch bắt đầu mở rộng ra những cánh rừng đước ở Cà Mau, nơi chiến tranh du kích đang bùng phát dữ dội. Các máy bay Mỹ đã rải chất khai quang (CKQ) xuống 9.000ha rừng nơi đây, “làm sạch sẽ” khoảng 95% diện tích mục tiêu. Ranch Hand sau đó được ca ngợi là một chiến dịch thành công và được bấm nút để tiếp tục.
Trong chín năm sau đó, khỏang 12 triệu gallon chất độc da cam (CĐDC) (1gallon = 3,78 lít) đã được rải khắp VN (chiếm hơn 60% lượng chất khai quang mà Mỹ đã rải xuống VN). Các chỉ huy quân sự Mỹ ở VN luôn nhấn mạnh trước công chúng rằng đây là một chiến dịch quân sự thành công và không hề gây ảnh hưởng đến người dân. Trong khi đó, CĐDC đã kịp gây ô nhiễm nặng các nguồn nước. Quân Mỹ đã rải CĐDC với mật độ kinh hoàng khoảng 5,5kg chất 2,4-D và 6kg chất 2,4,5-T trên mỗi ha, tức gấp 6 – 25 lần mức độ cho phép.
Năm 1962, 15.000 gallon CKQ đã được rải khắp VN. Năm kế tiếp, số lượng này tăng gần gấp bốn (59.000 gallon). Sau đó thật sự là những con mưa: 175.000 gallon năm 1964, 621.000 năm 1965 và 2,28 triệu năm 1966…
Các phi công làm nhiệm vụ trải CKQ đã trở nên thuần thục với công việc này đến mức chỉ mất vài phút để bay đến mục tiêu và đổ ào ạt xuống 1.000 gallon/lần rồi quay về. Trong quá trình rải CKQ, nhiều phi công đã chứng kiến hiệu ứng tức thời của nó và ở nhiều người đã phát triển tâm lý u ám. Trên cánh cửa vào đại bản doanh của Ranch Hand tại sân bay Tân Sơn Nhất ghi dòng chữ: “Chỉ có bạn mới ngăn được rừng mà thôi!”.
Các nhà sản xuất đã biết mối nguy
Những người Việt ở các vùng nhiễm CĐDC và hàng vạn lính Mỹ sống, ăn uống, tắm rửa hằng ngày tại đây đã không hề biết họ đang đối diện với một con quái vật. Thế nhưng, các nhà sản xuất hóa chất Mỹ đã biết rõ tác hại lâu dài của CKQ, đặc biệt là CĐDC, và tìm cách bưng bít thông tin.
Ngày 22-2-1965, một bản ghi nhớ nội bộ của Công ty Dow Chemical đã tổng kết cuộc họp của 13 cán bộ hàng đầu của công ty bàn về tác hại của dioxin trong chất 2,4,5 -T. Các cán bộ này đã quyết định gặp các nhà sản xuất hóa chất khác để cùng xác lập một lập trường chung về CĐDC và dioxin.
Tháng 3-1965, V.K. Rowe của Dow Chemical triệu tập cuộc họp gồm các công ty Monsanto, Hooker Chemical, Diamond Alkali và Hercules Powders Co. Theo các tài liệu được tiết lộ một năm sau đó, mục đích của cuộc họp này chính là bàn về độc tính cao của các loại CKQ dùng ở VN.
Bưng bít
Ba tháng sau cuộc họp, Rowe gửi một bản ghi nhớ đến Ross Mulholland, nhà quản lý của Dow ở Canada, thông báo rằng dioxin “là cực độc, có tiềm năng khổng lồ tạo ra chất chlorache (một chất gây rối loạn da) và những thương tật có hệ thống”. Trong một bức thư tay, Rowe chỉ đạo Mulholland: “Trong bất cứ tình huống nào cũng không được sao lại, gửi hoặc cho bất kỳ ai bên ngoài Dow xem bức thư này”.
John Frawley, chuyên gia chất độc thuộc công ty Hercules (một trong những người tham gia cuộc họp nói trên) đã viết vào năm 1965 rằng “Dow rất lo chính quyền biết các nghiên cứu của Dow cho thấy dioxin gây hại nghiêm trọng lên gan của những con thỏ thí nghiệm”. Frawley kể ông đã rời cuộc họp với cảm giác “Dow rất sợ tình hình sẽ bùng nổ” dẫn đến các hạn chế của chính quyền.
Nhưng các lo lắng này có vẻ như không cần thiết. Bởi lẽ chính quyền Mỹ và các công ty hóa chất đã quyết định đứng cùng một chiến tuyến khi tuyên bố rằng CĐDC và các CKQ khác là “sự bức thiết quân sự”.
Không lực Mỹ cũng biết
Có nhiều dấu hiệu cho thấy từ khá sớm các sĩ quan quân đội Mỹ đã biết tác động lâu dài của CĐDC lên sức khỏe.
Tiến sĩ James Clary – nhà khoa học thuộc không quân Mỹ đã tham gia viết về lịch sử của chiến dịch Ranch Hand – cho biết không lực Mỹ đã biết rõ tác hại của CĐDC là “nhiều hơn bất cứ ai”. Năm 1988, ông viết thư cho một thành viên Quốc hội Mỹ, trong đó có đoạn ghi: “… Chúng tôi thậm chí còn biết cả việc mật độ dioxin trong “công thức quân sự” còn cao hơn cả “công thức dân sự”, do chi phí thấp và tốc độ sản xuất nhanh. Tuy nhiên, do các chất liệu được áp dụng lên “kẻ thù” nên không ai trong chúng ta quan tâm…”.
Do thấy các quan tâm và lo lắng ngày một cao, bộ tư lệnh hỗ trợ tác chiến của Mỹ ở VN (MACV) tuyên bố “xét lại” chính sách sử dụng CKQ, song một bản ghi nhớ của tướng R.W. Komer (trợ lý của tướng W. Westmoreland) đã cho thấy việc “xét lại” này chỉ là một đòn tâm lý.
Bản ghi nhớ viết: “… chúng sẽ không được sử dụng trên diện rộng, mặc dù trên thực tế chúng ta không hạn chế việc sử dụng các chất làm rụng lá. Ngoài ra, còn có một điều khoản loại trừ… cho phép chúng ta sử dụng các chất này ngay cả trong khu vực cấm…”.
Dự án Pink Rose
Một trong những kế hoạch liên quan CĐDC tồi tệ nhất của chính phủ Mỹ là một chiến dịch mật mang tên “Dự án Pink Rose”.
Theo một tài liệu công bố gần đây, chiến dịch này khởi đầu từ tháng 9-1965 khi bộ tổng tham mưu liên quân nhận được khuyến nghị “triển khai khả năng dùng lửa để hủy họai những khu vực rừng rộng lớn ở Đông Nam Á”. Tài liệu trên cho thấy cả chính quyền Mỹ lẫn các công ty hóa chất đều đã biết một điều nhưng vẫn che giấu: chất dioxin khi cháy sẽ làm tăng đáng kể độc tính.
Tuy nhiên, Pink Rose vẫn tiếp tục được triển khai. Ba khu vực đã được chọn (một ở chiến khu D và hai ở chiến khu C), mỗi khu vực rộng 7km2, cũng là nơi mà trước đó quân Mỹ đã dội xuống tổng cộng 255.000 gallon CKQ.
Chiến dịch được tiến hành trong ba ngày khác nhau (18-1, 28-1, 4-4-1967) với lý do ghi trong tài liệu là “để phối hợp các giai đoạn của Pink Rose và các chiến dịch trên bộ”. Điều này có nghĩa tử thần đã được tăng lực ngay trong khu vực hành quân của binh lính Mỹ, và không chỉ gây hại nghiêm trọng cho dân thường và các chiến binh VN.
Dội CĐDC bừa bãi lên đầu dân và sông suối
Các tài liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy việc này diễn ra khá thường xuyên. Ví dụ, một bản ghi nhớ đề ngày 31-10-1967 đã cho thấy một vụ trải CKQ “đột xuất” ở rất xa mục tiêu: Ngày 29-10-1967, lúc 11g20, máy bay mang số hiệu 576 đã thả đột xuất 1.000 gallon CKQ WHITE ở độ cao 1.3000m xuống tỉnh Long Khánh do một động cơ bị trục trặc.
Báo cáo không ghi rõ tốc độ và hướng gió nhưng ở độ cao này diện lan tỏa rất lớn. Một ghi nhớ khác ghi ngày 8-1-1968, cho thấy một vụ thả 1.000 gallon chất da cam đột xuất trên sông Đồng nai, cách Sài Gòn 15 km về hướng đông… cũng do trục trặc động cơ của máy bay mang số hiệu 633.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét