Trước khi đoàn đại diện nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam bắt đầu phiên tranh tụng tại Toà Phúc thẩm Lưu động số 2 New York (Mỹ) ngày 18-6, vào ngày 15-6, hãng tin Mỹ AP đã công bố bài tường thuật về nghiên cứu của công ty Canada tại Đà Nẵng. Bài báo này đã minh chứng cho những nỗi đau và hậu quả kéo dài vì chất độc da cam sau khi cuộc chiến tranh của Việt Nam đã lùi vào quá khứ.
Nồng độ dioxin cao gấp hàng trăm lần
Trong lần tới thăm Việt Nam năm 2006, Tổng thống Mỹ G. W.Bush đã nhìn nhận vấn đề chất độc da cam tại Việt Nam và hứa sẽ giúp đỡ tẩy rửa môi trường tại Việt Nam.
Ông Len Aldis, Thư ký Hội hữu nghị Việt-Anh:
Cho dù phiên tranh tụng này có kết quả như thế nào đi nữa, thì các nạn nhân cũng đã giành được sự ủng hộ rất to lớn của đông đảo bạn bè trong nước và thế giới. Điều này được thể hiện qua số lượng chữ ký ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới như ở Pháp, Anh, Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… Riêng ở Việt Nam, đã có 12 triệu người ký tên ủng hộ các nạn nhân.
Các chuyên gia nghiên cứu của Công ty Canada Hatfield trong quá trình điều tra về mật độ chất độc da cam tại khu căn cứ quân sự Mỹ tại Đà Nẵng đã phải thốt lên rằng nồng độ dioxin ở đây quá cao so với mức tưởng tượng và chưa từng thấy.
Ông Thomas Boivin (Công ty Hatfield) cho biết, nếu như vùng đất được phát hiện dioxin cao tương tự như khu vực này mà ở tại Anh hoặc Mỹ thì chắc chắn sẽ được nghiên cứu và làm sạch.
Kiểm tra cho thấy, nồng độ dioxin trong đất tại đây cao gấp 300-400 lần so với mức độ quốc tế cho phép. Kết quả này chưa được công bố chính thức nhưng được ông Boivin và các quan chức Việt Nam tóm tắt cho hãng tin AP. Đây là kết quả nghiên cứu trên tinh thần hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
Cũng theo kết quả nghiên cứu, nước mưa đã đưa chất dioxin vào trong hệ thống thoát nước của Đà Nẵng và khu vực lân cận nơi có khoảng 100.000 người sinh sống. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ cao của dioxin trong máu của vài chục người thường xuyên đánh bắt cá hoặc thu hoạch hoa sen từ một cái hồ trong địa điểm nghiên cứu nói trên, trong đó có một người cao gấp 175 lần mức bình thường.
Theo một đại diện của Tổ chức Ford tại Việt Nam (tổ chức tài trợ cho công trình nghiên cứu của Hatfield), mức độ dioxin bên ngoài căn cứ cũ của Mỹ giảm đáng kể tuy nhiên nó vẫn là “mối đe doạ và nguy cơ đối với sức khoẻ cộng đồng”. Mỹ chi 400.000 USD cho công trình nghiên cứu này, Ford chi tiền cho các biện pháp xử lý tạm thời chất dioxin, bắt đầu vào mùa hè này.
Cần ít nhất 40 triệu USD làm sạch môi trường
Đối với nhiều người dân Việt Nam, việc nghiên cứu và ngăn chặn hậu quả của chất dioxin đã quá trễ. Anh Nguyễn Văn Dũng (38 tuổi) sống cạnh khu vực căn cứ không quân cũ của Mỹ từ năm 1990, thường bắt cá từ ao sen nói trên đem về cho gia đình dùng.
Nguyễn Thị Kiều Nhung, bé gái con anh Dũng, khi mới lên 2 đã có nhiều dấu hiệu sức khoẻ bất thường. Giờ đây cô bé đã 7 tuổi nhưng xương cẳng chân bị cong vẹo hoàn toàn và nhiều chỗ rất dễ gãy. Xương bên vai phải của bé nhô ra bất thường kéo căng da. Bé chỉ có 2 răng, mắt phải lồi ra ngoài, không thể đi, đứng như bao bạn đồng trang lứa khác.
Theo ông Lê Kế Sơn, quan chức cấp cao nghiên cứu về chất độc da cam, để làm sạch khu vực căn cứ không quân cũ tại Đà Nẵng và các địa điểm khác, cần ít nhất 40 triệu USD, một số tiền quá lớn đối với một nước đang phát triển. Ông Sơn nói: “Chúng tôi yêu cầu phía Mỹ chủ động hơn không những trong nghiên cứu mà còn cả trong xử lý hậu quả”.
Quốc hội Mỹ gần đây đã thông qua ngân sách 3 triệu USD dành cho vấn đề nhiễm dioxin tại Việt Nam và theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Marine, một phần trong số tiền này dành cho việc tẩy uế. Ông Marine cho rằng chương trình phát triển của LHQ cũng nên đóng góp. Tuy nhiên, ông Boivin cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm chính.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Đại sứ Michael Marine cho rằng Mỹ không có kế hoạch bồi thường trực tiếp cho các nạn nhân chất độc da cam. Theo ông, ngoài số tiền 3 triệu USD nói trên, từ năm 1989 tới nay, Mỹ đã chi 43 triệu USD giúp những người tàn tật Việt Nam, bất kể vì nguyên nhân gì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét