Hanoinet – Chiều 6.5, người dân Đà Nẵng ngạc nhiên khi thấy một đoàn “tây – ta” gần 10 người mặc áo cam diễu hành trên đường, trong đó, có cả ông tây bị khuyết tật ngồi trên chiếc xe lăn. Theo sau họ là một chiếc xe jeep cũng được sơn màu cam.
Họ chính là nhóm Orange Walk “Hành trình cam” xuất phát từ TP.Hồ Chí Minh do Doc Bernie Duff – một cựu chiến binh Mỹ từng làm nhiệm vụ cấp cứu nạn nhân trong chiến tranh ở Việt Nam vào năm 1969 – nghĩ ra. “Hành trình cam” như một hành động trả một món nợ suốt 40 năm ám ảnh trong ông…
Những bước chân từ trái tim
Thế là hơn 1 tháng xuất phát từ TPHCM, đoàn Orange Walk đã dừng chân tại TP biển Đà Nẵng. Chúng tôi hẹn gặp đoàn tại khu du lịch sinh thái Suối Lương. Mọi người đều sạm nắng giữa cái nóng như đổ lửa của những ngày chớm hè. Tôi nhớ, cách đây hơn 3 tháng, một người bạn đã gửi cho đường “link” của 1 blog có tên “Ngầu”. Tò mò, tôi thử lướt vào và biết được đây là blog của một cô gái trẻ tên Bảo Anh quê ở Quảng Bình.
Bảo Anh chính là một trong những đạo diễn của “Hành trình cam”. Năm 2006, sau một chuyến hướng dẫn du lịch, Bảo Anh quen Doc Bernie Duff – một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Doc được Bảo Anh đưa đến làng Hoà Bình ở Bệnh viện Từ Dũ, nơi nuôi dưỡng những em bé bất hạnh do nhiễm dioxin. Những cảnh tượng trước mắt đã làm Doc choáng váng. Người cựu binh Mỹ gần 60 tuổi đã bật khóc như một đứa trẻ.
Ông kể: “Tôi cũng bị nhiễm da cam với chứng ung thư da đang hoành hành. Thế nhưng, nỗi đau của tôi không thấm vào đâu khi nhìn thấy những đứa trẻ vô tội không phát triển bình thường, không còn nguyên vẹn hình hài. Đây mới chính là nỗi đau tột cùng. Tôi phải làm cái gì đó để chia sẻ bớt nỗi đau cho những số phận không may này!”.
Cuối năm 2007, Doc và Bảo Anh phát động trên Internet ý tưởng thực hiện chuyến đi bộ từ TPHCM ra Hà Nội mang tên “Hành trình cam”. Lướt trên blog của Bảo Anh, mọi người không khỏi khâm phục trước những dòng chữ tâm sự của cô gái “thế hệ 8X”: “Với chúng tôi, nỗi đau da cam không chỉ của cá nhân Doc, của mỗi em bé sinh ra không lành lặn; không chỉ là nỗi đau của những gia đình có người thân là nạn nhân của chất độc da cam; không chỉ là nỗi đau của một dân tộc mà còn là nỗi đau của cả nhân loại. Chúng tôi chỉ đơn giản nghĩ cuộc hành trình này trước hết là dành cho chính mình. Nhưng hơn nữa, chúng tôi mong đợi sự hưởng ứng của cộng đồng đến với những nỗi đau da cam rải rác trên mọi miền của đất nước. Chúng tôi gọi chuyến đi này là Hành trình cam”.
Bảo Anh cho biết: Khi nhen nhóm ý định và thử “post” kế hoạch “Hành trình cam” lên blog Ngầu, nhiều người khắp mọi nơi nhắn tin động viên, ủng hộ. Bob Schussler (62 tuổi, đã nghỉ hưu), Michael Eddie Quick (56 tuổi, cựu chiến binh tham chiến tại VN) và Karla Foss-Reilly (45 tuổi) từ Mỹ đã đăng ký ba suất tham gia cuộc hành trình. Cảm động nhất là Joanne Margaret Simpson (tên thường gọi là Jo) từ Australia, 54 tuổi. Jo đang bị bệnh “chết dần từng bộ phận”, nhưng vẫn email về VN để đăng ký một suất lái xe theo đoàn với nguyện vọng “nhất quyết lần này phải đi cho bằng được”. Hai người con của Jo là Daniel và Jessica thấy mẹ muốn thực hiện ước mơ cũng làm đơn xin nghỉ việc 2 tháng để theo hộ tống. Hành trình còn có thêm hai gương mặt trẻ người Việt là Phan Duy Phúc, Phan Thị Truyền tình nguyện cùng mọi người thực hiện hành trình nghĩa tình này. Bảo Anh cho biết thêm: “Rất tiếc, khi đến Khánh Hoà, chúng tôi phải chia tay với Jo và 2 con của bà. Căn bệnh của bà tái phát nên mọi người trong đoàn khuyên bà không nên tiếp tục để giữ gìn sức khoẻ.
Bỏ tiền túi làm từ thiện
Để chuẩn bị cho chặng hành trình Nam – Bắc dài trên 1.700km, từ sau Tết Nguyên đán, ngày nào Bảo Anh và Doc cũng phải tích cực “luyện cơ”. Ăn sáng xong là cả hai rảo bước từ nhà ở quận 7 đi khắp Sài Gòn. Hôm nào có việc hoặc có hẹn, cả hai tích cực phải đi sớm để… đảm bảo đủ kế hoạch đề ra. Doc “bật mí”: “Mọi người đều chuẩn bị tâm lý bình quân mỗi ngày nhóm phải đi bộ trên dưới 9 giờ với khoảng 40-45km. Nếu không chuẩn bị trước thì khó thực hiện được kế hoạch. Đi bộ để hoàn thành cuộc hành trình đã là chuyện khó, sự quyết tâm của từng thành viên mới là sức mạnh giúp chúng tôi vượt qua khó khăn”.
Doc mua một chiếc jeep cũ, sau đó, ông quyết định sơn màu cam cho phù hợp với “Orange Walk” để chuyên chở hành lý và làm công tác hậu cần, tiếp tế nước uống trên suốt cuộc hành trình. Tất cả thành viên đều mặc áo, quấn khăn màu cam hoặc đội nón lá có sơn một vệt màu cam, biểu tượng màu sắc của chuyến đi. Ngày 5.4, đoàn khởi hành từ làng Hoà Bình (TPHCM). Tiêu chí của đoàn là “tự bỏ tiền túi” để đi. Đến mỗi địa phương đoàn sẽ dừng lại đi thăm các nạn nhân chất độc da cam, tìm hiểu hoàn cảnh từng số phận. Nếu có trường hợp nào cần giúp đỡ khẩn cấp, họ sẽ họp nhau lại để chung tay giúp đỡ.
Riêng các trường hợp khác, sau chuyến hành trình họ sẽ quay lại giúp đỡ cụ thể hơn. Gần một tháng trôi qua, đoàn đã thực hiện được cuộc hành trình dài khoảng 1.000km. Peter đến từ Sydney (Australia) ngồi trên chiếc xe lăn kể: “Khi đoàn đi đến đâu cũng thấy những nụ cười thân thiện của người dân Việt Nam. Sự mệt mỏi của cuộc hành trình dường như tan biến và chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để chinh phục tiếp…(cười)”. Theo tính toán, nếu thời tiết thuận lợi và đúng tiến độ đã đề ra thì khoảng đầu tháng 6, cả đoàn sẽ đến đích ở làng trẻ Hoà Bình, Thanh Xuân, Hà Nội.
Ký ức một thời
Doc Bernie Duff sống ở tiểu bang Michigan (Hoa Kỳ). 17 tuổi Doc tham gia quân đội và học chuyên về quân y. Năm 1969, Doc được lệnh sang Việt Nam phục vụ trong quân y đoàn. Đúng vào đêm sinh nhật lần thứ 19 (12.1.1969), Doc có mặt tại sân bay Cam Ranh (Khánh Hoà). Những ngày ở dải đất miền Trung, Doc đã chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp đầu tiên của chiến tranh. Ba đứa trẻ tuổi khoảng 12-15 đã bị đám lính kéo lê, rạch bụng… chỉ vì nghi ngờ là Việt cộng. Lúc này, Doc mới hoài nghi về nhiệm vụ của mình. Mặc dù ở phía bên kia chiến tuyến, Doc vẫn tham gia cứu chữa cho những thường dân tại khu vực này. Đúng vào sinh nhật lần thứ 20 của mình, Doc được lệnh trở về Hoa Kỳ.
Một năm tham gia cuộc chiến này, dẫu không trực tiếp cầm súng, cũng đủ để Doc cảm thấy ghê sợ và ám ảnh mãi bởi cảnh tượng tàn khốc đầu tiên ấy. Về Mỹ, Doc tiếp tục phục vụ trong quân y đoàn cho đến năm 1974 thì chuyển sang làm báo, một tờ báo của quân đội. Năm 1976, Doc xin ra khỏi quân đội, chuyển về bang Michigan làm việc tại Hội Cựu chiến binh tiểu bang. Nhiệm vụ của Doc là giúp đỡ những cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam nhanh chóng hoà nhập với cộng đồng. Doc cho biết: “Nhiều người Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam cũng mắc “hội chứng chiến tranh”. Cứ mỗi lần nhắm mắt lại thấy súng đạn, khói lửa, cảnh tàn sát…”.
Năm 2005, Doc cùng 17 cựu chiến binh Mỹ quyết định trở lại Việt Nam, tìm sự giải thoát mình ra khỏi những cơn ác mộng. Vừa đặt chân xuống sân bay, họ bị choáng ngợp bởi cảnh thanh bình ở Việt Nam và cả những con người thân thiện. Nỗi hồ nghi, lo lắng trên máy bay tan biến ngay lập tức. Doc ghé nhiều nơi; mỗi một cuộc trò chuyện, Doc như có thêm sức sống mặc dù căn bệnh ung thư da đang gặm nhấm anh từng ngày. Một năm sau Doc chuyển hẳn về TPHCM. “Tôi như được sống lại lần nữa trên mảnh đất đau thương của ngày trước”. Doc bàn với những cựu chiến binh về một kế hoạch đi làm từ thiện để xoa dịu phần nào nỗi đau chiến tranh. Dọc dài từ TPHCM ra đến Hà Nội, lên vùng Tây Nguyên, họ quyên góp xây trường học, bệnh xá, tặng xe lăn cho trẻ em bị di chứng chất độc da cam… Trên cánh tay phải của mình, Doc xăm hình hoa văn mô phỏng theo hoa văn của trống đồng Đông Sơn để “nhớ về Việt Nam”.
Trong những lần đi làm từ thiện, Doc đã gặp Bùi Thị Bảo Anh, cô gái quê ở Quảng Bình, vào TPHCM học đại học, tốt nghiệp rồi ở lại TP công tác. Doc lớn hơn Bảo Anh nhiều tuổi, nhưng sự đồng cảm ban đầu về những kế hoạch góp phần xoa dịu nỗi đau da cam khiến cả hai xích lại gần nhau. Doc tâm sự: “Qua nửa chặng hành trình, tôi đã chứng kiến nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó có những em bé, tôi rất buồn! Các em ra đời từ hậu quả chiến tranh và không có sự lựa chọn. Ám ảnh nặng nề về điều đó thôi thúc tôi quyết tâm thực hiện cho được mục đích của cuộc “Hành trình cam” để trả một món nợ lòng theo tôi suốt hơn 40 năm nay”.
Doc tự hứa bằng tất cả sự dằn vặt, bằng lòng thành của một người bị bắt tham gia chiến tranh: “Sẽ trở lại VN, trả cho được món nợ lòng này”. Tôi vẫn còn nhớ câu nói mà Doc tâm sự với một đồng nghiệp: “Đừng tưởng chiến tranh là một trò chơi. Nó tàn khốc hơn rất nhiều so với sự tưởng tượng và suy nghĩ của mọi người”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét