Poisondioxin

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Người VN sống hướng về tương lai!

Điều tôi ấn tượng nhất là người VN không quên quá khứ nhưng không sống trong quá khứ mà hướng về tương lai!” – Đại sứ Mỹ Michael Marine nói.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Đà Nẵng trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại VN vào tháng 9 tới, trưa 25/7, Đại sứ Mỹ tại VN Michael Marine đã có cuộc trao đổi với báo chí về một số vấn đề mà ông tâm đắc đối với sự phát triển quan hệ Mỹ – Việt.
TS: Nhìn lại nhiệm kỳ công tác vừa qua tại VN, điều gì đã làm được khiến ông tâm đắc nhất và điều gì chưa làm được khiến ông vẫn còn băn khoăn?
Đại sứ Michael Marine: Đây là một câu hỏi khó, bởi quan hệ song phương giữa hai nước phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực đều có những điểm thành công và những điểm cần tiếp tục hợp tác để giải quyết.
Khi nhìn vào mối quan hệ giữa hai nước và việc cả hai đều mong muốn phát triển nó thì thực ra không có điểm khởi đầu và kết thúc mà là hai bên cần tiếp tục hợp tác để phát triển thêm lên.
Ví dụ, mối quan hệ về kinh tế, trong 3 năm qua đã phát triển tốt, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Nhưng chúng ta không dừng ở đó mà tiếp tục phát triển lên tầm mức cao hơn nữa. Quan hệ kinh tế giữa Mỹ – VN dựa trên cơ sở WTO, PNTR và hai bên cũng thảo luận để có hiệp định khung về thương mại và đầu tư.
Vấn đề bây giờ là phải áp dụng và thể chế hiệp định khung đó như thế nào để trở thành công cụ mở rộng và hữu hiệu cho hai bên phát triển thương mại và đầu tư. Nếu làm tốt vấn đề này thì sẽ dẫn tới nhiều hiệp định khác nữa trên lĩnh vực thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Báo Công an Đà Nẵng: Xin ông cho biết một số giải pháp của phía Mỹ nhằm giúp giải quyết vấn nạn dioxin ở khu vực sân bay Đà Nẵng?
Đại sứ Michael Marine: Hôm qua tôi cùng một số ngành hữu quan của VN có đi xem các khu vực nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng. Sự hợp tác giữa Chính phủ hai nước để giải quyết vấn đề dioxon tại đây được bắt đầu từ năm 2002 bằng các cuộc thảo luận, trao đổi thông tin; đến nay thì cả hai bên đều đã sẵn sàng để triển khai các biện pháp làm sạch dioxin trong đất và nước ở khu vực đó. Trong nỗ lực đó có sự đóng góp rất lớn của một tổ chức phi Chính phủ là Quỹ Ford, đã giúp Chính phủ hai nước đạt được nhiều bước tiến quan trọng.
Đến thời điểm này, Chính phủ Mỹ đã đóng góp khoảng 2,4 triệu USD để giúp đỡ giải quyết vấn đề dioxin tại VN. Mới nhất là dành 400.000 USD để đưa ra kế hoạch cụ thể từ đầu năm nay làm sạch dioxin ở sân bay Đà Nẵng. Một công ty Mỹ là BEM tham gia giúp đỡ kỹ thuật để làm sạch dioxin tại đây. Bên cạnh đó, Chính phủ VN cũng đóng góp quan trọng vào nỗ lực chung này bằng sự đầu tư kinh phí lẫn nhân công để làm công việc tại chỗ.
Khi Tổng thống Bush sang thăm VN vào tháng 11/2006, Chính phủ hai nước đã đồng ý sẽ cùng tìm cách giải quyết vấn đề dioxin như một việc tốt để phát triển mối bang giao. Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 5/2007 đã chuẩn y nguồn ngân sách 3 triệu USD cho các bước tiếp theo nhằm góp phần làm sạch dioxin tại VN.
Hiện chúng tôi chưa quyết định số ngân sách này sẽ được sử dụng cụ thể như thế nào, công ty, đơn vị nào sẽ nhận số tiền đó để triển khai vì còn chờ kế hoạch cụ thể, vài tháng nữa mới có; và cũng phải chờ có kế hoạch phối hợp của các đối tác VN. Tuy nhiên, trước khi phía Mỹ có quyết định cụ thể về khoản chi 3 triệu USD này thì Quỹ Ford cũng đã hỗ trợ 300.000 USD cùng với Bộ Quốc phòng, Bộ TN-MT VN tiến hành một số biện pháp để khoá chặt, ngăn chặn dioxin ở khu vực sân bay Đà Nẵng lan ra xung quanh.
Trong những nỗ lực cấp thời đó, Công ty BEM cũng tham gia các biện pháp kỹ thuật và lập kế hoạch cần phải làm gì, làm như thế nào… Nói tóm lại về vấn đề dioxin, hai bên đã tiến hành rất nhiều công việc. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể làm nhiều hơn và tốt hơn nữa để tạo nên một ví dụ hoàn hảo về sự phát triển mối quan hệ phong phương.
Website TP Đà Nẵng: Theo ông, trong nhiệm kỳ đại sứ Mỹ mới tại VN sẽ ưu tiên vào những vấn đề nào?
Đại sứ Michael Marine: Thực ra đến thời điểm này, Quốc hội Mỹ vẫn chưa chính thức phê chuẩn việc bổ nhiệm đại sứ mới tại VN. Vị đại sứ mới có thể có những quan điểm, cách làm khác với tôi, nghĩa là có thể có thay đổi, nhưng nhìn chung vẫn tập trung vào 6 điểm ưu tiên chính (không theo thứ tự ưu tiên) là:
Tăng cường sự hiểu biết giữa Chính phủ và nhân dân hai nước. Tiếp tục hỗ trợ và ủng hộ tiến trình cải cách kinh tế ở VN, trong đó có việc hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ mở rộng hoạt động làm ăn tại VN. Vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo (đây là thành tố căn bản trong chính sách ngoại giao của Mỹ; Chính phủ Mỹ và VN đã lập ra quy chế để bàn thảo về vấn đề này và sẽ tiếp tục).
Phòng chống các hiểm hoạ dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng tới VN mà còn khu vực và thế giới như dịch cúm gia cầm, HIV/AIDS (ví dụ: Chính phủ Hoa Kỳ sẽ chi 65 triệu USD trong năm 2008 để giúp phòng chống HIV/AIDS tại VN). Làm sâu đậm hơn những nỗ lực hợp tác xuyên quốc gia trên các lĩnh vực như bảo vệ pháp luật, chống khủng bố, chống buôn bán ma tuý…
Tuổi trẻ: Xin ông nói rõ thêm về khoản chi 65 triệu USD của Chính phủ Mỹ dành cho VN trong năm 2008 để phòng chống HIV/AIDS?
Đại sứ Michael Marine: Số tiền này sẽ được đầu tư qua chương trình Quỹ khẩn cấp PEPFAR do Tổng thống Mỹ thành lập để giúp các nước đang phát triển phòng chống HIV/AIDS. VN tham gia chương trình này từ năm 2004.
Đến nay, Chính phủ Mỹ đã cung cấp 80 triệu USD cho Bộ Y tế và các đối tác khác của VN để triển khai các biện pháp ngăn chặn sự lây lan đại dịch HIV/AIDS, chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Số tiền này mỗi năm mỗi tăng và hy vọng sang năm sau nữa sẽ còn tăng cao hơn.
Website Đà Nẵng: Kỷ niệm đẹp nhất của ông để kể với bạn bè và người thân khi rời VN là gì?
Đại sứ Michael Marine: Kỷ niệm của tôi sau mấy năm làm việc tại VN thì nhiều lắm. Tôi có thêm nhiều bạn mới, và đặc biệt là tôi thán phục sức mạnh của nhân dân VN, thiên nhiên và văn hoá VN. Nhưng nếu có ai hỏi tôi về VN thì tôi sẽ khuyên người đó nên đến VN để tự mình chứng kiến.
Riêng với các doanh nhân Mỹ chưa đến làm ăn tại VN, tôi sẽ khuyên họ nên xem xét nghiêm túc việc mở mang hoạt động tại VN, vì đó là một thị trường năng động và sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Nhân đây tôi cũng xin có một bình luận nhỏ: Chúng ta không nên và không thể quên quá khứ, vì chúng ta là một phần của quá khứ đó. Song điều ấn tượng nhất của tôi là người VN không quên quá khứ nhưng không sống trong quá khứ mà sống hướng về tương lai!
Xin cám ơn ông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét