Poisondioxin

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Nỗi đau chất độc màu da cam ở Cam Lộ

Bà Lộc đang cho cháu ăn cơm
Đã 30 năm kể từ ngày quân đội Mỹ ngừng rải chất độc hoá học xuống miền Nam, Việt Nam (tháng 4/1971), nhưng tại hai xã Cam Nghĩa, Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), chất độc ấy vẫn tiếp tục hành hạ biết bao thân phận, đặc biệt là những đứa trẻ thơ ngây.

Nhớ lại những năm tháng chiến tranh, bà Lộc, gần 90 tuổi, ở thôn Phương An, xã Cam Nghĩa, kể: "Mấy năm đó, Mỹ nhiều lần dùng máy bay rải chất hoá học màu trắng bát ngát cả vùng. Sau vài ngày, cả khu rừng, rồi cây cối trong vườn cháy lá, chết hết. Hồi ấy, tôi đâu có biết đó là chất hoá học". Còn anh Lương, Chủ tịch xã Cam Chính thì bảo: “Hồi chiến tranh, vùng đất này gọi là troốc mứt, nghĩa là nơi mà giặc Mỹ trút bom đạn xuống nhiều nhất, với mật độ dày đặc so với toàn tỉnh Quảng Trị”. Trong số đó, có chất độc màu da cam (còn gọi là dioxin).
Ngôi nhà của bà Lộc thấp, được che chắn tạm bợ bằng những miếng cót. Hằng ngày, bà vẫn phải chăm sóc cho đứa cháu đích tôn bị nhiễm dioxin. Chân tay cháu khòng khèo, khuôn mặt méo lệch sang một bên, hàm răng đen xỉn, hai cánh tay luôn quờ quạng. Mỗi khi cháu ăn cơm, những hạt cơm “không chịu” vào miệng mà cứ rơi vãi hết.
Dưới nhà bếp lụp xụp, còn có một cháu trai nữa thường nằm ngửa trên chiếc chõng tre thấp, mắt trợn ngược, miệng luôn la hét mỗi khi có khách vào. Chị Mít, mẹ của hai cháu giải thích: "Không phải nó sợ đâu. Cũng không phải nó đau ốm hoặc khóc than. Thấy có người lạ vào, cháu nó cười đó". Vợ chồng chị Mít suy sụp cả tinh thần và kinh tế vì phải chăm sóc ba đứa con tật nguyền. Đứa con đầu đã chết cũng vì chất độc dioxin.

Chị Bình, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cam Nghĩa, người mới sinh con đầu lòng kể: “Khi mang thai, hai vợ chồng tôi lo lắm. Đất đai và nguồn nước vùng này nhiễm chất độc hoá học rất nặng. Có ai dám chắc là mình sinh con ra sẽ không bị nhiễm! May quá, cháu không hề chi, lúc ấy hai vợ chồng mới thở phào nhẹ nhõm”. Chị cũng cho biết, xã Cam Nghĩa hiện có 108 cháu nhiễm dioxin và năm nào cũng có cháu bị chết. Hội Phụ nữ xã đã vận động các cặp vợ chồng có con bị nhiễm loại hóa chất này không nên sinh con nữa. Nhưng niềm khao khát có một đứa con lành lặn khiến họ tiếp tục mang thai và kết quả là những đứa trẻ tật nguyền vẫn ra đời.

Nói về việc trợ giúp những gia đình có hoàn cảnh trên, anh Thanh, Chủ tịch xã Cam Nghĩa cho biết: "Xã nghèo. Thu ngân sách mỗi năm chỉ được vài ba chục triệu, chủ yếu là dựa vào nguồn ngân sách của huyện và tỉnh. Vài năm gần đây, cũng có một số đoàn từ thiện về xã tặng quà. Nhưng tất cả sự trợ giúp, cưu mang đó cũng không bù đắp hết được những cơ cực vất vả của các gia đình”. Vợ anh Thanh tiếp lời chồng: "Bà con trong làng trong xã chỉ biết an ủi nhau, chứ biết làm sao. Nhà nào sinh con ra bị phải cái chất độc ấy thì cắn răng chịu, chẳng có thuốc nào chữa được".

Tại Hội thảo quốc tế về hậu quả của chất độc màu da cam tổ chức lần thứ nhất tại Việt Nam vào năm 1983, các nhà khoa học đã đưa ra số liệu gây kinh hoàng dư luận thế giới: Từ năm 1961 đến tháng 4/1971, quân đội Mỹ đã rải 72 triệu lít dioxin (91 triệu kg) trên một diện tích rộng lớn từ phía nam sông Bến Hải đến Nam Trung Bộ, miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và bán đảo Cà Mau. Nồng độ rải chất hoá học trên một ha là 28 lít.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét