Poisondioxin

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Nỗi đau vo lại thành hình


Bà Nguyễn Thị Huyến ở xã Cam Nghĩa huyện Cam Lộ có 2 đứa con bị nhiễm chất độc da cam, nói: “Tôi sợ chết trước con mình”.
Dọc đường về các làng quê Quảng Trị hôm nay, bài hát “Vì sao em chết” của Thanh Trúc vẫn cứ vọng về thảng thốt: “Chúng đã giết em rồi, chúng đã giết bằng chất độc màu da cam”. Tỉnh Quảng Trị hiện có gần 3.000 trẻ em (chưa kể số em đã bị chết) bị nhiễm chất độc da cam đang sống lay lắt, khổ cực, nhiều người gọi đó là nỗi đau vo lại thành hình.
Thế hệ thứ ba nhiễm độc
Sau khi phẫu thuật cho một phụ nữ sinh lần đầu, bác sĩ Nguyễn Quang ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị gọi điện cho tôi. Vừa bước vào cổng bệnh viện, tôi đã nghe lao xao tiếng ai đó: “Thương cho con bé quá, sinh đứa con đầu lòng đã chịu cảnh dị tật nặng”.

Tôi bước vào phòng sản, người cha của cháu bé ngồi ôm mặt khóc không ra tiếng. Chị Trần Thị Thảo, mẹ cháu bé, không tin được đó là con của mình sinh ra. Một bé gái dị tật từ trong bào thai, không có hộp sọ, phần lớn của bộ não nằm ra ngoài đầu. Cháu là thế hệ thứ ba được sinh ra trong gia đình, mà ông nội của cháu trước đó đã sinh sống trên vùng đất nhiễm chất độc da cam.
Sáng hôm sau lại thêm tai ương ập xuống sản phụ Trần Thị Mến. Chị sinh ra một đứa con trai nặng 3 kg cũng bị dị dạng như đứa bé sinh trước đó một ngày. Đầu cháu không có hộp sọ, nhỏ và nhọn rất khó nhìn. Bà Vũ Thị Thể, mẹ chồng đang chăm sóc con dâu tại bệnh viện, nghẹn ngào: “Khi có thai, con tôi thường hay đau ở phần bụng nhưng không hề biết trước là cháu dị tật”.
Trước đó không lâu, cũng tại khoa sản này tôi đã chứng kiến một ca sinh hết sức đau lòng. Chị Nguyễn Thị Hưng ở Cam Lộ, sinh ra đứa con trai đầu lòng có 4 chân, 4 tay. Gia đình chị phải bán từng chiếc giường, cái tủ để kiếm tiền thuốc thang, giành giật mạng sống cho con.
Dưới chân đồi Ka Rôn
Bà Nguyễn Thị Dần ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ có 4 con đều bị nhiễm chất độc da cam. Trong ảnh là vợ chồng bà Dần cùng các con.
Theo nhiều tài liệu đã công bố thì từ năm 1963, Mỹ đã rải chất độc hoá học xuống chiến trường miền Nam, tổng cộng có 72 triệu lít chất dioxin được thả xuống từ Nam vĩ tuyến 17 trở vào, trong đó tỉnh Quảng Trị là một trọng điểm. Một tài liệu của tỉnh Quảng Trị báo lên cấp trên vào năm 1968 cho hay, có 1.500 ha rừng, hoa màu của bà con nông dân đã bị chết do chất độc từ máy bay Mỹ thả xuống, chủ yếu tập trung vào huyện Cam Lộ. Gần 2.000 người chết do nhiễm độc quá nặng.
Ông Hoàng Đức Tình, bố của nạn nhân Hoàng Thị Hường ở Đông Giang, Đông Hà, một nhân chứng trong những năm chiến tranh kể lại: “Năm 1970, khi Hường vừa ra đời gia đình đã biết em bị nhiễm chất độc da cam. Tôi đưa con đi Hà Nội chữa bệnh, hồ sơ bệnh án của bệnh viện E, ghi rõ: Trẻ bị ảnh hưởng chất độc hoá học từ trong bụng mẹ, lúc mới ra đời đã dị tật ở tay và chân”.
Chị Thương, mẹ của Hường kể rằng, năm 1968 bà uống nước trong một cái giếng đã nhiễm chất độc do máy bay Mỹ thả xuống nên khi uống xong thấy người ngứa rần, ngất xỉu và nôn oẹ. Mấy năm sau bà sinh ra Hường và cháu đã dị tật như vậy. Đã gần 30 tuổi nhưng Hường như một trẻ nhỏ, khù khờ.
Khi tôi đến chân đồi Ka Rôn (thuộc huyện Cam Lộ) thực hiện phóng sự này thì có hàng chục bà mẹ trẻ bồng những đứa bé tàn tật đủ dạng như vẹo đầu, cong tay, ngờ nghệch, miệng không nói được, chỉ phát ra tiếng kêu e é rất thương tâm, chạy đến xin cứu trợ, vì họ ngỡ có đoàn về giúp đỡ cho trẻ em bị di chứng chất độc da cam.
Chỉ vào hai đứa con không ra người của mình, bà Trần Thị Mít sụt sùi: “Ngày mới về ở Ka Rôn, đất đai ở đây bị khô sém lại như gặp hạn lâu ngày. Do không biết nên gia đình tôi làm nhà định cư trên ấy. Khi biết ra mình đang ở trên chất độc da cam thì không kịp nữa rồi. Tôi sinh ra được 3 đứa con và tất cả đã bị tật nguyền, nay một cháu đã chết”.
Bước qua phía Tây của đồi Ka Rôn, tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Huyến ở xã Cam Nghĩa. Bà nói: “Đấy, hai hình thù không ra người mà tôi đã sinh ra, ăn rồi chỉ nằm một chỗ mấy chục năm qua. Trong 3 người con của tôi bị dị tật, có một cháu do ảnh hưởng chất độc quá nặng nên đã chết”.
Ông Nguyễn Công Phán, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, chùng giọng: “Không có nơi nào trẻ em bị thiệt thòi như Cam Lộ. Mạng sống, tuổi thơ các em trên vùng đất nhiễm chất độc da cam như ngàn cân treo sợi tóc. Chỉ tính một con số rất nhỏ đủ thấy mức độ ảnh hưởng chất độc ở đây lên đến chừng nào. Đến năm 2000, huyện Cam Lộ đã có 654 trường hợp bị quái thai”.
Lam Khanh
Hơn 8.000 người cần giúp đỡ
Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị công bố một con số rất đau lòng: toàn tỉnh có hơn 15.000 người nhiễm chất độc da cam, trong đó có hơn 8.000 trường hợp dân thường chưa được hưởng chế độ, chính sách. Đây là số nạn nhân mà Hội chữ thập đỏ Quảng Trị phải đi quyên góp khắp nơi để về giúp đỡ họ. Bà Trần Thị Thỉ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Quảng Trị, chia sẻ trong xót xa: “Bao nhiêu cũng không đủ để giúp cho các gia đình bị chất độc da cam. Bởi vì họ cùng lúc nuôi 2 đến 3 đứa con tàn tật suốt mấy chục năm…”.
Hoàn cảnh các nạn nhân ở trên vùng đất “da cam” đều ăn bữa hôm thiếu bữa mai. Nhiều khi chính tay bà Thỉ giỡ nắp thùng gạo của các gia đình này để kiểm tra đều thấy không còn hạt gạo nào. Bà Nguyễn Thị Huyến ở xã Cam Nghĩa, ngoài 70 tuổi vẫn sống trong nghèo khổ để nuôi những đứa con tàn tật. Cả 3 đứa con của bà nhiễm nặng chất độc da cam, bệnh tình đày đoạ chịu không nổi, một em đã chết. Hai em còn lại do ảnh hưởng não nên mỗi lần động kinh lại kêu van, cấu xé thân mình thảm thương, không ai cầm được nước mắt. Biết thế nên bà Huyến chẳng lúc nào mong được con mình trả hiếu.
Một việc làm rất có ý nghĩa của Hội Chữ thập đỏ Quảng Trị là quyên góp tiền bạc của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước giúp đỡ rồi về cho các gia đình nạn nhân vay mượn để chăn nuôi heo, gà. Theo bà Thỉ, đã có gần 300 gia đình nạn nhân được vay từ nguồn vốn này. Dù cố gắng thật nhiều nhưng với Hội Chữ thập đỏ Quảng Trị, sự giúp đỡ cho các nạn nhân cũng chỉ như muối bỏ biển. Nên bà Thỉ lúc nào cũng ước: “Mong nạn nhân chất độc da cam ở Quảng Trị nhận được thật nhiều tấm lòng thơm thảo của xã hội”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét