Chất độc dioxin có khả năng di truyền sang thế hệ con và cháu của những người bị nhiễm độc. Bản thân những binh lính Mỹ sau khi đã tham gia cuộc chiến tranh hoá học ở nước ta trở về, cũng bị những căn bệnh như ung thư nội tạng, ung thư da, bệnh bạch cầu… Con, cháu của họ cũng bị nhiều căn bệnh vô phương cứu chữa như thần kinh, bại não, không có tay chân… Năm 1978, các cựu chiến binh Mỹ đã tiến hành vụ kiện tập thể các công ty sản xuất hoá chất làm rụng lá. Các công ty sản xuất ban đầu hoàn toàn phủ nhận trách nhiệm, song đến năm 1984 đã đột nhiên thay đổi thái độ và đề xuất việc thanh toán tiền hoà giải. 40.000 nguyên đơn là các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hoa Kỳ đã được các công ty hoá chất này bồi thường 180 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, Toà án liên bang Hoa Kỳ vẫn không công nhận những dị tật của các cựu binh Mỹ là có nguyên nhân từ hoá chất làm rụng lá.
Chất độc da cam để lại nhiều hậu quả nặng nề đối với con người và môi trường. Theo các nhà khoa học thì hậu quả đối với môi trường còn có thể khắc phục, mặc dù rất tốn kém; trong khi đó những di hoạ đối với con người thì không thể cứu chữa, thậm chí còn di truyền sang 2 thế hệ nữa. Hơn 4,8 triệu nạn nhân Việt Nam có thể căn cứ vào việc các công ty hoá chất Hoa Kỳ bồi thường cho cựu binh của họ, để tiến hành tiếp tục vụ kiện các công ty này.
Vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam nước ta bị Toà sơ thẩm không thừa nhận về tác hại của dioxin đối với sức khoẻ con người, nên đã bác đơn kiện. Ông Jack Weinstein, Thẩm phán Toà án liên bang Mỹ ở quận Brooklyn trong phiên xử sơ thẩm ngày 10/3/2005 đã bác bỏ đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam lập luận rằng: “Chất độc da cam, cũng như các chất xanh lá cây, tím, hồng, xanh da trời và trắng không phải là chất độc”. Và cho rằng: “Giả sử đúng là dioxin có gây hại cho con người, thì cũng chưa có đủ lập luận, để nói rằng quân đội Mỹ đã sử dụng nó là vi phạm pháp luật vào thời điểm đó”. Chính vì vậy, trong văn bản tranh tụng, các luật sư của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cần phải chứng minh: Việc sử dụng chất diệt cỏ chứa chất độc vào thời điểm đó là vi phạm luật pháp của quốc tế. Vào thời điểm sử dụng chất diệt cỏ ở Việt Nam, Hoa Kỳ đã ký Nghị định thư Geneva năm 1925 về việc cấm sử dụng các chất độc và vũ khí sinh học trong chiến tranh. Mặc dù chưa phê chuẩn, nhưng theo luật pháp quốc tế, khi đã ký thì Hoa Kỳ vẫn phải tuân thủ các quy định của Nghị định thư đó. Hơn nữa, khi Chính phủ Hoa Kỳ tham vấn các luật sư về sử dụng chất diệt cỏ ở nước ta, thì đã có ý kiến nói rằng, chỉ có thể sử dụng mà không vi phạm luật pháp quốc tế, khi chất diệt cỏ không gây hại cho con người. Nhưng thực tế chất diệt cỏ này không những gây hại cho thực vật, mà còn cho cả con người.
Trong những ngày qua, đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã đi thăm 11 thành phố ở Hoa Kỳ. Nạn nhân thứ nhất là ông Hồ Sĩ Hải, 61 tuổi, quê ở Thái Bình, là chiến sĩ lái xe đoàn 559 hoạt động ở Quảng Trị những năm chống Mỹ. Bản thân ông Hải bị bệnh đường tiêu hoá và u xơ tiền liệt tuyến. Vợ ông mang thai 6 lần thì 2 lần chết lưu, rồi có một đứa con bị dị dạng đã chết, 3 đứa còn sống thì câm điếc, tâm thần phân liệt, phát triển không bình thường.
Nạn nhân thứ hai là bà Đặng Thị Hồng Nhựt, 69 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh – từng là cán bộ dân chính ở Tây Ninh trong những năm 1960 – 1975. Bà Nhựt có một con đầu lòng sinh năm 1960 phát triển bình thường, 4 lần mang thai sau thì 3 lần sẩy, 1 lần thai chết lưu. Hiện thai nhi này vẫn được lưu giữ tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, thành phố Hồ Chí Minh.
Ở Boston trong cuộc tiếp xúc với nhiều tổ chức ở Mỹ, bà Đặng Thị Hồng Nhựt đã kể về những gì đã trải qua do bị nhiễm chất độc từ cách đây 40 năm (1965). Không chỉ là nỗi đau trên thân thể mà bà phải vật lộn, bệnh ngứa da và các khối u phải dùng phẫu thuật can thiệp nhiều lần, mà còn là nỗi đau mất con, những em bé đã qua đời trước khi được làm người, nỗi đau chỉ nhìn thấy con mình là một hình hài dị dạng nằm trong ống nghiệm tại bệnh viện Từ Dũ, nỗi đau mất chồng, người cũng bị căn bệnh ung thư do nhiễm phải chất độc quái ác này… Bà kết thúc câu chuyện bằng câu nói: “Tôi không ngờ chất đó nó độc đến thế, nó theo tôi suốt cả cuộc đời. Tôi có nhiều bạn bè, người quen, cũng đồng cảnh như tôi”.
Còn ông Hồ Sỹ Hải chia sẻ nỗi đau của bản thân ông của vợ ông, người bị ung thư máu cũng do nhiễm chất độc trong chiến tranh, nỗi đau mất con và nhìn những đứa con tật nguyền được sống trên đời nhưng không được hưởng những điều bình thường nhất là được nghe, được nói, được suy nghĩ. Ông nói rằng: “Chúng tôi đến đây không để chỉ nói lên cái khó, cái khổ của mình để mong được giúp đỡ cho bản thân. Chúng tôi muốn các bạn hiểu những nỗi đau của đồng đội chúng tôi, những người đã mất, những người còn sống với thương tích trên người và những di chứng mà con cháu chúng tôi đang phải gánh chịu”.
Ông OLaf Pappie – nhà khoa học người Đức đã 5 lần đến Việt Nam tìm hiểu về hậu quả chất độc da cam/dioxin – nói rằng: “Đến Việt Nam tôi đã có dịp đến thăm các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang sinh sống tại làng Hữu Nghị và cũng có dịp thăm các cháu nạn nhân chiến tranh. Tôi vô cùng xúc động. Đặc biệt chúng tôi có nói chuyện với các cô giáo chăm sóc cho các cháu, họ đã để lại cho chúng tôi ấn tượng vô cùng sâu sắc. Tôi nghĩ rằng làng Hữu nghị có 140 cháu đang sinh sống rất cần sự cứu trợ. Cơ sở nghiên cứu của chúng tôi đã quyên góp và mang quà tặng các cháu”.
Đi tìm công lý
Trong thời gian chờ phía bị đơn (là các công ty hoá chất Hoa Kỳ) trả lời bằng văn bản vào ngày 16/1/2006, đoàn luật sư Hoa Kỳ – những người bảo vệ bên nguyên (là các nạn nhân chất độc da cam) – đã sang nước ta thảo luận với Hội nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam và chuẩn bị các văn bản sẽ trình lên toà phúc thẩm. Trong văn bản này, các luật sư đã đưa ra những lập luận thuyết phục, để bác bỏ lại quan điểm tại toà sơ thẩm rằng: chất diệt cỏ, mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam không phải là chất độc. Thực tế chất diệt cỏ này chứa nhiều chất độc với hàm lượng độc tố cao, riêng với chất dioxin các công ty đã sử dụng vượt quá mức cho phép nhiều lần. Luật sư Jonathan Moore – Đoàn Luật sư Hoa Kỳ – cho biết: “Tuy rằng hiện nay nhiều người đã không còn, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đi tìm những văn bản, nghiên cứu của họ để làm bằng chứng. Hơn nữa, chúng tôi còn dựa trên nhiều công ước Quốc tế khác nữa về vấn đề này. Các bằng chứng của chúng tôi dựa vào các tài liệu về mức độ gây hại của chất độc màu da cam của Bộ Quốc phòng và chính phủ Hoa Kỳ. Các công ty như Dow Chemical và Monsanto biết rằng sản phẩm của họ có chất độc, đó là sự vi phạm luật pháp quốc tế. Do đó họ phải chịu trách nhiệm).
Còn luật sư Constantine Kokkoris – Đoàn Luật sư Hoa Kỳ – cho rằng trước mắt vụ kiện sẽ xoáy vào việc quân đội Mỹ rải chất độc hoá học xuống miền Nam Việt Nam là việc làm vi phạm luật pháp quốc tế, vì đây chính là một trong những căn cứ mà ông thẩm phán Jack Weinstein bác bỏ vụ kiện. Luật sư Constantine Kokkoris nêu rõ: “Chúng tôi hoàn toàn tin vào khả năng thuyết phục toà phúc thẩm vụ án này là quan trọng và cần tiếp tục. Đây là một vụ kiện không chỉ quan trọng đối với Việt Nam mà với cả thế giới, về trách nhiệm của các công ty hoá học. Việc các công ty sử dụng thuốc diệt cỏ có chứa chất độc gây hại cho người là vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm luật tập quán quốc tế”.
Theo đúng lịch trình, sau khi nguyên đơn (Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam) nộp bản tranh tụng, ngày 16/1/2006, phía bị đơn (các Công ty hoá chất Hoa Kỳ) sẽ có văn bản trả lời. Sau đó, trong tuần đầu tiên của tháng 3/2006, bên nguyên có văn bản phản hồi. Dựa trên những văn bản, lý lẽ đó, phiên tranh tụng trực tiếp trước Toà Phúc thẩm diễn ra, dự kiến vào cuối tháng 4/2006. Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân – Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho rằng, trong vụ kiện này chúng ta không chấp nhận sự phi lý và cần sự ủng hộ mạnh mẽ của toàn thế giới.
Vụ kiện chất độc màu da cam/dioxin, dù phía Mỹ có chịu bồi thường hay không thì như thư của ông Len Aldis, Chủ tịch Hội hữu nghị Anh – Việt gửi Tổng thống Hoa Kỳ đã khẳng định: “Dĩ nhiên là quá trễ cho những người đã chết. Nhưng đối với các nạn nhân hiện nay và tương lai, vẫn còn nhiều điều có thể làm và phải làm được. Ngài Tổng thống có quyền lực vì thế có trách nhiệm bồi thường cho hàng triệu người đang tiếp tục đau khổ vì di hoạ khủng khiếp của cuộc chiến tranh hoá học của Mỹ ở Việt Nam”.
Lương tri và hành động
Chăm sóc, làm dịu nỗi đau da cam, đó là lương tri và hành động của mọi người dân Việt Nam. Chất độc da cam/dioxin để lại trên các vùng đất còn có thể tẩy độc được, nhưng cái gì có thể xoá hết nỗi đau da cam trên những mảnh đời bất hạnh? Đó chỉ có thể bằng những hành động có lương tri của mọi người. Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất dộc da cam/dioxin Việt Nam cho rằng, bằng nhiều con đường, biện pháp, hình thức hoạt động hợp tác và đấu tranh, để đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam: “Hãy đến với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đến với những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Ở đó, nhiều người đã chết, nhiều người đang hàng ngày, hàng giờ sống trong bệnh tật giày vò vì di chứng tàn khốc của chất độc da cam/dioxin. Ở đó nhiều thanh niên cả trai lẫn gái không thể tự đứng trên đôi chân của mình, nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm mẹ, rơi vào tuyệt vọng khi sinh ra những đứa con dị dạng, tật nguyền. Đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin là đến với nỗi đau khổ tột cùng của con người, nhưng cũng chính ở đây tính bản thiện của mỗi con người Việt Nam “thương người như thể thương thân”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” được thể hiện rõ nhất. Cũng chính ở đây, lòng nhân ái, tình đồng loại của mỗi con người có lương tâm và trách nhiệm trên thế giới này được tôn vinh”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét