Poisondioxin

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Con đường cuốn sách “Không thể chuộc lỗi” đến Việt Nam

TTO – Tại hội trường 8 Hội chợ sách Quốc tế Frankfurt ở Đức năm 2006, giữa các khu vực trưng bày sách rộng lớn và không khí giao dịch bản quyền náo nhiệt của các tập đoàn xuất bản hàng đầu thế giới là một gian hàng nhỏ với một điểm đặc biệt có một không hai:
Gian hàng chỉ trưng bày và giao dịch bản quyền duy nhất một cuốn sách có tựa đề Failure To Atone – Không Thể Chuộc Lỗi – với một poster lớn: “Nước Mỹ không thể chuộc lỗi về những gì đã gây ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam! Sự thật chưa từng được tiết lộ của một bác sĩ tình nguyện người Mỹ tại Việt Nam”.
Tác giả cuốn sách là một bác sĩ phẫu thuật người Mỹ, tiến sĩ Allen Hassan, nguyên là quân nhân thuộc binh chủng Thủy quân lục chiến của quân đội Mỹ, từng qua Việt Nam để chữa trị cho những nạn nhân chiến tranh. Đại diện công ty First News tham dự hội chợ đã làm việc với đại diện bản quyền của bác sĩ Allen Hassan. Phía bạn rất vui và xúc động khi Việt Nam là ngôn ngữ đầu tiên mua bản quyền cuốn sách. Ông liên lạc ngay với tác giả ở Mỹ để thông báo và cho biết bác sĩ Allen Hassan sẽ sẵn sàng bay qua TP. HCM dự lễ ra mắt ấn bản tiếng Việt cuốn sách của mình ở Việt Nam vào dịp 30/04/2007.
Khi chúng tôi hỏi vì sao lại lấy tên là Không Thể Chuộc Lỗi đặt cho cuốn sách, đại diện bản quyền của bác sĩ Allen Hassan trả lời: “Mục đích của bác sĩ Allen Hassan khi viết cuốn sách này là muốn những người lính đã từng tham chiến tại Việt Nam và chính quyền Mỹ thật sự hiểu rõ những gì mà nước Mỹ đã gây ra cho người dân Việt Nam là lớn hơn rất nhiều những gì mà người Mỹ từng nghĩ. Nước Mỹ nhớ rất kỹ những gì người khác gây cho họ nhưng lại quên rất nhanh những gì họ đã gây ra cho những người khác. Người chết không thể sống dậy, người tàn tật mãi mãi tàn tật, và nỗi đau mãi mãi là nỗi đau… Khi đọc xong cuốn sách này, mọi người sẽ hiểu bây giờ dù làm bất cứ việc gì, nước Mỹ cũng không thể chuộc lại lỗi của mình đối với người dân Việt Nam!”.
Những ám ảnh khó quên
Là một trong những bác sĩ người Mỹ hiếm hoi chữa trị cho những người bị thương ở cả hai phía, nhất là ở vùng bom đạn ác liệt trong cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam như Quảng Trị, bác sĩ Allen Hassan đã rất phẫn nộ khi chứng kiến tận mắt những thảm cảnh đau thương do cuộc chiến gây ra, đặc biệt là vụ thảm sát trẻ em ở Quảng Trị – một sự kiện chưa hề được công bố. Đến nỗi đang hưởng tuần trăng mật mà ông cũng không thể gác được nỗi ám ảnh về cơn ác mộng đó. Trong tuần trăng mật ở Rome và Majorca năm 1974, vợ ông đưa cho ông cuốn sách có tựa “Home From The War” (Trở về từ cuộc chiến) của tác giả Robert J. Lipton. Cuốn sách đã khơi dậy những ký ức về Việt Nam, khiến ông viết ngay vào bên lề trang sách đang đọc: “Việc chứng kiến cái chết của những người già và trẻ em đã khắc ghi vào tâm khảm tôi. Bị bắn vào đầu! Tại sao? Có lẽ tôi không bao giờ có thể quên được những điều ấy”.
Những điều chưa hề được tiết lộ về cuộc chiến còn là tình cảnh thương tâm của những thương binh hạng nặng của Mỹ được tập trung trong các lán trại ở Đông Hà. Họ không được đưa về Mỹ để chữa trị hay để có được niềm an ủi cuối cùng là chết trong vòng tay thân ái của gia đình, bởi cỗ máy chiến tranh của Mỹ lo sợ rằng những hình ảnh của sự thật tàn khốc này sẽ gây ra làn sóng phản đối chiến tranh. Tác giả viết: “Giá như lúc đó, người dân Mỹ biết về những gì đang xảy ra với con cái của họ… Giá mà họ biết đến phạm vi rộng lớn của các hành động tàn ác điên rồ diễn ra khắp mọi nơi…”.
Và rồi ông đã chứng kiến phong trào phản chiến ngay tại chiến trường Việt Nam: “Trong những ngày cuối cùng ở Sài Gòn, tôi rất kinh ngạc phát hiện ra rằng, Việt Cộng không phải là những người duy nhất sống dưới đường hầm ở Việt Nam. Erhart yêu cầu tôi – với tư cách là một bác sĩ – đi cùng anh ta đến một khu vực có nhiều binh lính Hoa Kỳ đào ngũ hoặc vắng mặt bất hợp pháp. Những người này rõ ràng là đang sống dưới các đường hầm. Cùng với một toán quay phim của hệ thống truyền hình – tôi không chắc là đài nào, nhưng có lẽ là đài truyền hình NBC – chúng tôi tìm thấy những binh lính Mỹ đào ngũ đang sống trong đường hầm ngay dưới lòng đất Sài Gòn”.
Tận mắt chứng kiến những điều đau lòng như thế, nhưng bác sĩ Hassan đã phải im lặng suốt một thời gian dài vì những phản ứng của ông lúc đó – về vụ thảm sát trẻ em – đã bị Cục Tình Báo Trung Ương Mỹ (CIA) tại Nam Việt Nam theo dõi và suýt nữa thì ông đã phải trả giá bằng mạng sống của chính mình  trong một đêm nọ tại Quảng Trị. Và sau này, ông còn biết thêm rằng, trong chiến tranh, có khoảng 40.000 người Việt Nam bị chính quyền Nam Việt Nam và Mỹ bí mật theo dõi và sát hại trong các chiến dịch Phượng hoàng do CIA chỉ đạo.
Nỗi đau còn đó
Chiến tranh đã qua đi hơn 30 năm nhưng những di chứng của nó vẫn còn tồn tại không những trên đất nước Việt Nam, mà còn mang theo đến tận bên kia Tây bán cầu. Tại Hoa Kỳ, bác sĩ Hassan vẫn tiếp tục chữa trị cho những quân nhân Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, vẫn tiếp tục cùng những người khác đấu tranh cho đồng đội của mình được hưởng những phúc lợi mà họ đáng được chăm sóc do hậu quả độc hại của các loại hóa chất – đặc biệt là chất độc da cam – mà Hoa Kỳ từng sử dụng tại chiến trường Việt Nam.
Trong khi đó, ngay trên mảnh đất đau thương hứng chịu toàn bộ bom đạn, hóa chất trong cuộc chiến, chính quyền cùng nhân dân Việt Nam tiếp tục khắc phục những hậu quả nặng nề của cuộc chiến. Những cố gắng của chính quyền các cấp, những tổ chức từ thiện, những tấm lòng nhân ái rộng mở đối với nạn nhân chất độc da cam đã phần nào làm dịu bớt nỗi đau, nhưng tác hại của nó lớn quá, lâu dài quá và nạn nhân thì đông quá. Trong Không Thể Chuộc Lỗi, bác sĩ Hassan đã đề cập đến chất độc da cam, nhưng đặc biệt, trong ấn bản Việt ngữ, ông đã viết thêm một chương về những hậu quả và di chứng nặng nề của chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam. Chúng tôi cũng trích dẫn một số tài liệu, hình ảnh liên quan để bạn đọc tham khảo. Nhân đây, chúng tôi xin cảm ơn Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam đã cho phép chúng tôi được trích dẫn những số liệu, hình ảnh trong hai tập tư liệu “Vì nỗi đau da cam” và “Chất độc da cam – Lương tâm và trách nhiệm”.
Một tấm lòng nhân ái
Những trăn trở của bác sĩ Hassan về cuộc chiến tranh Việt Nam cứ mãi ám ảnh ông. Mặc dù tiếp tục thành công ở phòng mạch và văn phòng luật sư ở Sacramento, California nhưng ông vẫn khổ sở với những cơn ác mộng triền miên về Việt Nam. Nhiều tháng, nhiều năm sau khi trở về nước, giấc ngủ của ông vẫn bị gián đoạn vì những hình ảnh hãi hùng. Ông từng thực hiện nhiều chuyến đi trở lại Việt Nam, trở lại vùng đất Quảng Trị với mong muốn làm sáng tỏ về cái chết bí ẩn và man rợ của hàng chục sinh linh nhỏ bé mà ông từng tận mắt chứng kiến.
Sau chiến tranh Việt Nam, những cựu binh Mỹ trở về quê nhà, kể những câu chuyện mắt thấy tai nghe, nhưng họ bị phớt lờ, bị cô lập, bị từ chối những phúc lợi đúng ra họ được hưởng, thậm chí bị đưa vào nhà thương điên. Cũng như trường hợp của bác sĩ Hassan, người ta đã nói với nhiều cựu binh rằng những việc mà họ đã thấy và đã làm trong chiến tranh là không thể xảy ra, vì nước Mỹ không cho phép những việc như thế, và rằng dân chúng Mỹ không muốn nghe những điều kinh hoàng như thế. Họ phải là những “anh hùng chiến đấu vì chính nghĩa”. Do đó, bác sĩ Hassan tiếp tục mong muốn làm sáng tỏ vụ việc.
Bác sĩ Allen Hassan cho biết, trong hơn 30 năm qua, ông thường dành khoảng một tiếng đồng hồ mỗi ngày để theo dõi tin tức thế giới, đã đọc hơn 200 cuốn sách viết về Việt Nam và còn sẽ đọc tiếp những cuốn xuất bản sau này. Giống như nhiều người từng chứng kiến cuộc chiến ở Việt Nam, ông luôn quan tâm đến những thông tin làm rõ sự dính líu của Mỹ vào cuộc chiến tranh này. Ông mong muốn chính quyền Mỹ phải nhận trách nhiệm về những gì đã gây ra. Bác sĩ Hassan đã dẫn lời của Richard Hughes, một người bạn và là người quản lý một tổ chức nhân đạo nhỏ mang tên Shoeshine Boys of Vietnam.
Richard Hughes đã tuyên bố vào năm 1976 khi từ Việt Nam trở về Mỹ: “Tôi nghĩ sẽ có việc bình thường hóa mối quan hệ hai bên… Sẽ có đàm phán về trách nhiệm, và nên chăng chúng ta hãy nhận lấy phần trách nhiệm ấy về mình. Chúng ta có sức mạnh, và khi chúng ta sử dụng sức mạnh đó ở bất kỳ đâu thì chúng ta cũng phải có trách nhiệm. Chúng ta đã ở đó, ở đó với tầm ảnh hưởng quá lớn. Và giờ đây có rất nhiều việc chúng ta có thể làm và cần phải làm. Chúng ta có khả năng. Chúng ta có thể làm điều gì đó để giảm bớt những đau thương, giúp họ cải thiện cuộc sống; và ngược lại, họ có thể giúp chúng ta thoát khỏi những nỗi ám ảnh, day dứt triền miên”.
Bác sĩ Allen Hassan đã viết cuốn Failure To Atone – Không Thể Chuộc Lỗi trong ba năm và kịp xuất bản để mang sang giới thiệu tại Hội sách Quốc tế 2006. Cuốn sách là một lời kêu gọi chống lại bạo lực, chống lại bất công của con người đối với con người và đối với những sinh vật khác trên trái đất. Ông cũng đã lập riêng một trang web với tên cuốn sách: www.failuretoatone.com để giới thiệu với độc giả thế giới và dành 10% lợi nhuận có được từ cuốn sách để giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn Failure To Atone – Không Thể Chuộc Lỗi  đến bạn đọc Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét