Poisondioxin

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Chất độc da cam từng có mặt tại Okinawa?

Sáng nay, 9-7, hãng tin Kyodo và báo Japan Times của Nhật Bản cho biết, theo một đơn kiện của Uỷ ban Các cựu chiến binh Mỹ, chất độc da cam/dioxin sử dụng tại Việt Nam từng được cất giữ tại căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa (Nhật Bản) thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Okinawa cũng cần phát quang? 

Hãng tin Kyodo cho biết, tài liệu này do họ phát hiện cho thấy một cựu binh Mỹ đã đòi đền bù vì ông đã mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt trong lúc ông ta phục vụ tại căn cứ này những năm đầu của thập niên 1960. Tài liệu này được phát hiện trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn chưa công bố rằng liệu chất độc da cam/dioxin có được lưu kho hoặc sử dụng tại Okinawa trong suốt thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Theo tài liệu này, vào ngày 13-1-1998, Uỷ ban Cựu chiến binh Mỹ kết luận rằng: “Có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy cựu binh Mỹ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong lúc phục vụ quân ngũ tại Okinawa”. Cựu chiến binh ấy khẳng định quân đội Mỹ đã từng pha trộn, lưu kho và sử dụng chất độc da cam/dioxin tại Okinawa vào thời điểm Mỹ sử dụng căn cứ này làm điểm trung chuyển chiến lược cho cuộc chiến tại Việt Nam.
Báo Japan Times nhắc lại rằng chất độc da cam là một hỗn hợp chất diệt cỏ có nồng độ dioxin cao mà Mỹ đã phun xuống Việt Nam từ năm 1961 tới 1971 nhằm khai hoang nhiều khu rừng che chắn quân đội Việt Nam. Chất độc này từ đó được cho rằng đã gây ra nhiều vấn đề về sức khoẻ, trong đó có nhiều loại bệnh ung thư và quái thai.
Cựu binh Mỹ nói trên cho biết, công việc của ông là lái xe vận tải ở căn cứ Okinawa và ngay tại đây, xung quanh căn cứ này, quân đội Mỹ cũng đã sử dụng chất độc da cam/dioxin. Cụ thể là chất độc da cam/dioxin được chất lên các xe tải hoặc bình xịt đeo sau lưng để xịt vào các khu vực rừng rậm phía Bắc Okinawa để phát quang và làm bãi luyện tập. Theo ông, lượng mưa lớn tại khu vực cận nhiệt đới như Okinawa khiến cho việc sử dụng các chất độc không tan trong nước như chất độc da cam/dioxin là hợp lý vì nếu không nước mưa sẽ cuốn đi ngay. Cựu chiến binh này nói: “Vấn đề gây hoang mang nhiều nhất cho chúng tôi là chúng tôi không hề được cảnh báo về tác hại của các loại thuốc diệt cỏ mà chúng tôi đang tiếp xúc và cũng chẳng có quần áo bảo hộ”.
Lầu Năm Góc vẫn phủ nhận
Gần đây nhất, vào tháng 11-2004, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng họ không hề có bất cứ tài liệu nào ghi nhận chất độc da cam/dioxin ở Okinawa. Tuyên bố này đáp lại yêu cầu của Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Lane Evans thuộc Uỷ ban Các vấn đề cựu binh, yêu cầu Lầu Năm Góc cung cấp thông tin về việc sử dụng chất độc da cam/dioxin ở Okinawa. Vào lúc đó, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Richard Myers, khẳng định: “Không có tài liệu nào chứa thông tin về việc các chất diệt cỏ được sử dụng hay lưu kho tại Okinawa, không có việc sơ suất hoặc tai nạn nào liên quan đến các chất diệt cỏ nên việc nhiễm độc của các binh sĩ là không có cơ sở”.
Ngoài cựu chiến binh trên, hàng trăm binh sĩ từng đóng tại Okinawa thời kỳ chiến tranh Việt Nam đã yêu cầu Bộ Cựu chiến binh bồi thường y tế do bị tác hại của chất độc da cam/dioxin. Tuy nhiên, họ đã bị từ chối.
Vụ tiết lộ tài liệu này càng khiến căng thẳng giữa người dân Okinawa và lực lượng Mỹ đóng tại đây ngày càng tăng cao sau hàng loạt vụ bê bối do lính Mỹ gây ra tại đây trong những năm vừa qua. Lực lượng Mỹ hiện chiếm khoảng 20% diện tích đất ở Okinawa, gây ra nhiều vấn đề về môi trường. Năm 1969, vụ rò rỉ chất độc VX tại đây đã làm 23 binh sĩ Mỹ bị thương.
Ước tính có đến 4.000ha rừng trong tổng số 7.800ha tại Okinawa bị Mỹ phát quang dùng làm căn cứ quân sự và không loại trừ chất độc da cam/dioxin được sử dụng. Nơi đây cũng có 2 ngôi làng dân đang ở là Kunigami và Higashi. Chủ tịch Đại học Okinawa, ông Kunitoshi Sakurai bày tỏ quan ngại về khả năng Mỹ sử dụng chất độc da cam/dioxin ở đây vì khu vực này là nơi cung cấp phần lớn nguồn nước cho cư dân của đảo và chất độc này tồn tại kéo dài trên 40 năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét