Poisondioxin

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Thung lũng da cam – Bài 2: Tiếng khóc giữa thung lũng

Theo số liệu thống kê mới đây, trong số hơn 40.000 dân của 21 xã, thị trấn toàn huyện thì có đến hơn 4.000 người bị nghi nhiễm chất độc dioxin.
“Anh muốn gặp cha mẹ của những trẻ em bị chất độc da cam thì phải đến nhà lúc nửa trưa hoặc khi trời đã tắt nắng” – ông Hồ Nhật Tân, cán bộ chính sách xã A Ngo (huyện A Lưới) nói như vậy khi biết chúng tôi muốn đến thăm những gia đình “da cam”. Đau khổ nhưng không thể ngồi một chỗ, họ phải quần quật ngày đêm trên nương rẫy vì miếng ăn, vì viên thuốc… của những đứa con đang lâm bệnh nặng vì “dính” phải dioxin.
Những gia đình “da cam”

Theo lời ông Nhật, chúng tôi tìm đến nhà những gia đình “da cam” lúc trời đứng bóng, thung lũng da cam nóng như chảo lửa. Nắng rát da mặt, gió khô khốc từng cơn như muốn quật ngã con người. Trong căn nhà tạm bợ, Kăn Lây mớm cháo cho cu Bắc đang đau nặng. Ôm đứa con vào lòng, Kăn Lây khóc mà như trút giận: “Không biết hắn (chất độc da cam) hành hạ tui đến khi mô đây. Răng mà hắn ác rứa!”. Cu Bắc, đứa con của bà đã 20 tuổi và cũng nặng chỉ 20 kg, nằm bất động. Kăn Lây kể cu Bắc ngày sinh ra đã bị dị tật như thế này, cứ mỗi lúc trở trời là nó lại lên cơn ôm đầu la ó.

Cu Bắc nhiễm dioxin từ cha mình là ông Hồ Pụt, chồng Kăn Lây. Tham gia kháng chiến ở vùng rừng núi này, mười năm trước ông đã ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. “Hai vợ chồng tôi đều tham gia kháng chiến. Sau ngày giải phóng, tưởng đâu được hạnh phúc, ai ngờ sinh được chín người con thì có bốn đứa chết, còn sống thì đứa nào cũng bệnh tật” – bà Kăn Lây nghẹn ngào.

Cạnh nhà Kăn Lây là nhà của Kăn Sấp, chị ruột bà. Kăn Sấp đi bộ đội nên cũng dính phải chất độc da cam. Góa chồng đã 25 năm, bà ở vậy nuôi bốn con trai và hai con gái. Nhưng không được như Kăn Lây, Kăn Sấp bị viêm đại tràng mạn tính, mặt hom hem, khắc khổ hơn nhiều.

Trời xẩm tối, chúng tôi lại tìm đến một gia đình nạn nhân da cam khác là nhà anh Hồ Nam Toàn ở thị trấn A Lưới. Hoàn cảnh anh Toàn cũng bi đát không kém gì Kăn Lây. Tám năm trước, vợ anh cũng qua đời do căn bệnh ung thư, để lại đàn con thơ bốn đứa bị dị tật. Ẵm bé Hồng, đứa con thứ hai bị dị tật, anh Toàn nói trong nước mắt: “Ngày sinh đứa đầu vợ chồng tôi đã khóc hết nước mắt vì thấy con bị tật nguyền. Tưởng đâu đứa thứ hai khỏe mạnh, ai ngờ sau đó sinh ra đứa nào cũng bị tật”. Trong bốn đứa con của anh thì một đứa đã chết, ba đứa còn lại thì một đứa nằm bất động. Hai đứa kia, đứa thì câm điếc, đứa thì sứt môi.

Trên mảnh đất này, nỗi đau da cam không không phải chỉ riêng bà Kăn Lây hay anh Toàn. Hàng trăm mảnh đời “trúng” phải da cam là hàng trăm số phận, kéo theo cái đói, cái nghèo.

Ông Đoàn Văn Hiền (xã Đông Sơn) có đứa con gái bị nhiễm chất độc dam ca nghẹn ngào, nói: “Chất độc dioxin đã tước đoạt quyền sống của biết bao con người nơi đây. Ở cái xã này không biết bao nhiêu đứa trẻ sinh ra chưa thấy mặt mẹ đã chết. Không có gì đau đớn hơn khi nhìn những đứa con quằn quại vì bệnh tật”.

Nhưng đau đớn nhất trong vùng là những đứa trẻ mồ côi, khi chưa kịp lớn thì cha mẹ đã chết. Hôm chúng tôi đến nhà Kăn Lây, bé Kê Đồn cứ quấn quýt bên chân bà ngoại. Kê Đồn là con của anh Kê Bé và chị Hồ Thị Nhíp. Hai năm trước, anh Bé đã chết vì chất độc da cam. Bà Kăn Lây tâm sự: “Ba hắn nghèo quá phải đi rừng nên nhiễm chất độc mà chết. Khổ thân hắn mới tí tuổi đầu mà đã mồ côi. Thương hắn nên tui đón về ở luôn”.
Những tấm panô cảnh báo về dioxin đã trở nên quen thuộc với người A Lưới.

Đau đến bao giờ?

Mấy năm trước nhiều tổ chức đã về nhiều xã của A Lưới thử máu tất cả người dân để tiến hành một cuộc khảo sát về chất độc da cam. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công bố chính thức.

Không có nơi nào trên mảnh đất này không có người chết hoặc nhiễm chất độc da cam. Ông Hồ Nhật Tân cho biết: “A Ngo là một trong những xã có số người bị nhiễm chất độc nặng nhất của huyện. Số người được hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam ở đây ít hơn rất nhiều so với con số bị nhiễm trên thực tế. Sắp tới chúng tôi cũng đề xuất với các ngành liên quan có chính sách hỗ trợ bổ sung cho 150 đối tượng “dính” phải chất độc dioxin”. Thực tế ở A Lưới bây giờ số người mắc các bệnh liên quan đến chất độc da cam là rất lớn. Chỉ tính riêng xã Đông Sơn đã có 37 cháu mắc các bệnh câm, điếc, thần kinh, co giật và thân hình phát triển không bình thường. Theo số liệu thống kê mới đây thì 21 xã, thị trấn toàn huyện có đến hơn 40.000 người bị nghi nhiễm chất độc dioxin trong số hơn 40.000 dân của huyện.
Hàng rào ngăn bị nhiễm độc chết nên được rào lại bởi dây thép gai.

Chất độc da cam gây ra đau thương cho nhiều thế hệ. Hôm tiễn chúng tôi, Kăn Lây buồn bã kể rằng năm ngoái, người con trai của bà đã có vợ và ba con nhỏ bỗng dưng phát bệnh tâm thần và chết vì ngã từ cây cao xuống đất lúc 27 tuổi. Lúc đó tuyệt vọng, bà muốn ôm thằng Bắc ăn lá ngón cùng chết để chấm dứt mọi chuyện. “Nhưng nghĩ thằng Bắc nó có tội tình chi mô chú nên tui cứ cố sống, sống thay cho hắn với vì cả mấy đứa con hắn nữa” – bà nghẹn ngào.

Lời bà Kăn Lây tiễn tôi về xuôi như muốn thể hiện niềm tin, sự mong đợi vào ngày mai tươi sáng hơn. Có thể bà đang tự an ủi mình hay muốn cho khách nhẹ lòng. Bởi ngày mai đó là khi nào sẽ đến, bà và hàng ngàn người A Lưới nhiễm dioxin vẫn cứ đang phải hy vọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét