Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch danh dự Hội Nạn nhân CĐDC đã dành cho phóng viên Báo CAND buổi trò chuyện xung quanh vụ kiện cũng như dư luận quốc tế về vấn đề này.
Toà bác bỏ vụ kiện càng làm thế giới quan tâm sâu sắc hơn, thấy rõ sự phi lý, bất bình thường, không công bằng…
Theo bà Nguyễn Thị Bình, việc toà án Mỹ bác bỏ đơn kiện của các nạn nhân CĐDC thực ra không phải là điều bất ngờ đối với chúng ta. Khi tiến hành vụ kiện, với điều kiện phán xét của một toà án của Mỹ, tại đất Mỹ, chúng ta cũng hình dung rằng, cuộc đấu tranh đòi công lý này không hề đơn giản.
Thật ra, trong 30 năm qua, chúng ta đã nhiều lần đặt vấn đề với người đại diện Chính phủ Mỹ cũng như các tổ chức liên quan khác, là Mỹ phải có trách nhiệm giúp Việt Nam khắc phục hậu quả việc rải CĐDC. Nhưng rõ ràng phía Mỹ chưa đáp ứng đề nghị này. Song, ngay tại buổi tranh tụng đã cho thấy nhiều vấn đề không bình thường. Lẽ ra, nếu thấy chưa đủ cơ sở để phán quyết đòi hỏi toà phải dành thời gian để nghe và tìm hiểu rõ thêm về vấn đề này, xem xét lại lý lẽ của hai bên. Thế nhưng 10 ngày sau, nếu trừ thứ bảy, chủ nhật thì chỉ còn khoảng 7 ngày, toà án liên bang ở quận Brooklyn , New York đã ra phán quyết với bản kết luận dài tới 230 trang. Riêng điều đó đã cho thấy không bình thường. Chúng ta hình dung vụ kiện là không phải chỉ một bước mà phải trải qua nhiều bước, không chỉ một hình thức mà bằng nhiều hình thức và tất nhiên phải tiếp tục kiện.
Nỗi đau tinh thần và thể xác của nạn nhân chất độc da cam.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về sự quan tâm của quốc tế đối với Hội nghị quốc tế về tác hại CĐDC tại Pháp, bà Nguyễn Thị Bình với tư cách khách mời đặc biệt của Hội nghị cho biết: “Ngay sau khi toà án liên bang của Mỹ bác bỏ đơn kiện, các đại biểu quốc tế dự Hội nghị tại Paris đều bất bình. Họ ủng hộ ta, khẳng định phải tiếp tục đấu tranh, tiếp tục vụ kiện vì lẽ phải, vì công lý, vì các nạn nhân CĐDC”.
Bà cho rằng, việc toà án ở Mỹ bác bỏ lại làm thế giới càng quan tâm sâu sắc hơn vụ kiện, họ càng thấy sự phi lý, bất bình thường, không công bằng của toà án. Khuôn khổ Hội nghị tại Paris lúc đầu dự tính không quá 270 người nhưng thực tế đã có hơn 300 người đến tham dự, có những người đến hết chỗ phải đứng. Nhiều nhà khoa học, nhà chính trị – xã hội, luật gia của Pháp, Mỹ và nhiều nước khác cũng có mặt.
Việc bác bỏ vụ kiện rõ ràng vì lý do chính trị chứ không phải không đủ căn cứ pháp lý như tuyên bố của toà
Bà Nguyễn Thị Bình khẳng định: Nói về bằng chứng, sự thật chúng ta có đầy đủ cả. Thế nhưng tại phiên toà xét xử vụ kiện, phía bị đơn nói rằng, việc nghiên cứu khoa học của ta chưa có đủ điều kiện hiện đại nên những bằng chứng ta đưa ra chưa có độ tin cậy cao (!).
Thực tế, từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, chúng ta đã có chương trình nghiên cứu về CĐDC, không chỉ do các nhà khoa học trong nước thực hiện mà còn có sự tham gia của nhiều đối tác, trong đó có các nhà khoa học Liên Xô, Đức, Canada, Nhật…, là những nhà khoa học có kinh nghiệm và uy tín trên thế giới. Nhưng ngoài việc đó ra, có một bằng chứng nữa, không ai có thể phủ nhận được: đó là các cựu chiến binh Mỹ – những người đi rải chất độc xuống Việt Nam . Thời gian họ tiếp xúc ngắn, Mỹ đã công nhận họ bị ảnh hưởng. Một cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh tại miền Nam Việt Nam và con ông bị nhiễm rồi chết, cháu ông cũng bị dị tật. Chính cựu chiến binh này là người đã tố cáo và cùng những cựu chiến binh khác ở Mỹ khởi kiện. “Cựu chiến binh Mỹ đi rải mà còn bị nhiễm độc, không lý gì những người bị rải, sống trong môi trường đó hàng chục năm lại không bị coi là nhiễm độc”.
V ề bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 1996 khi ông thừa nhận tác hại của CĐDC đối với cựu chiến binh Mỹ , bà Bình cho rằng Tổng thống Bill Clinton nói cho cựu chiến binh Mỹ chứ không phải nói cho ta, nhưng dù sao qua bài phát biểu đó chứng tỏ ông đã công nhận tác hại loại độc chất này. Cách nhìn về tác hại là khách quan, tiếc rằng, ông đã không nhìn toàn cục, bởi cựu chiến binh Mỹ ảnh hưởng thì đương nhiên những người Việt bị rải chất độc càng ảnh hưởng.
Đòi hỏi phía Mỹ phải có trách nhiệm giải quyết hậu quả CĐDC“Hiện nay các nạn nhân CĐDC, cả họ và con cháu họ là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ và họ cũng chính là người nghèo nhất trong những người nghèo . ” b à Nguyễn Thị Bình xúc động khẳng định. Bà nói : Hậu quả nghiêm trọng như vậy thì không lý gì chúng ta không đòi hỏi những người gây ra tội ác phải có trách nhiệm bồi thường. Đó là việc kiện để đòi công lý. Các công ty này bán hoá chất cho Mỹ thu lãi rất lớn. Họ đã sản xuất, kinh doanh CĐDC trên sự đau khổ của người dân chúng ta. Trách nhiệm trước hết thuộc người trực tiếp sản xuất còn đương nhiên Chính phủ Mỹ khi thực hiện việc rải CĐDC xuống Việt Nam cũng phải có trách nhiệm giải quyết hậu quả. Đối với Mỹ, vì lợi ích quan hệ hai nước lâu dài mà chúng ta gác lại quá khứ để nhìn tới tương lai. 30 năm chiến tranh đã qua, chúng ta muốn thúc đẩy quan hệ của hai nước phát triển. Gác lại ở đây thể hiện thái độ rất khoan dung của dân tộc Việt Nam nhưng chúng ta đòi hỏi phía Mỹ phải giải quyết hậu quả vấn đề CĐDC/dioxin hiện nay
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét