Bằng cảm giác trực quan từ những cánh rừng xanh ngút ngàn bỗng chốc trở nên trơ trụi, khẳng khiu sau khi bị rải chất độc da cam/dioxin, ai cũng có thể thấy sự huỷ hoại ghê gớm mà chất độc này gây ra.
Trong khoảng thời gian từ năm 1962 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam tổng cộng hơn 80 triệu lít chất độc da cam, trong đó có chứa ít nhất 366 kg chất dioxin cực độc.
Hậu quả lâu dài mà chất độc da cam/dioxin gây ra cho đất nước, con người Việt Nam và cả những binh sĩ Mỹ tham chiến tại Việt Nam thật đáng sợ.
Hơn 2 triệu người Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, đặc biệt có khoảng 150.000 trẻ em hiện đang là nạn nhân vô tội của chất độc này. Hàng chục nghìn cựu binh Mỹ và một số đồng minh như Australia, New Zealand… cùng thân nhân của họ cũng là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Đã có những bằng chứng khoa học xác thực về hậu quả mà chất độc da cam/dioxin gây ra đối với môi trường và con người. Dioxin là tác nhân gây ra hàng chục loại bệnh nguy hiểm cho con người, trong đó các bệnh thường gặp nhất là đẻ non, quái thai, ung thư, rối loạn các chức năng thần kinh, suy giảm hệ thống miễn dịch…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ cần một phần tỉ gram chất dioxin đã có thể gây ra những tai biến sinh sản ở người. Hiệp hội Y tế Mỹ đã phải thừa nhận những hậu quả nghiêm trọng của chất da cam/dioxin đối với sức khoẻ con người.
Chính vì không thể phủ nhận tác hại của chất độc da cam/dioxin với sức khoẻ các cựu binh Mỹ và gia đình của họ mà chính phủ và các công ty sản xuất chất cực độc đã phải chi hàng tỷ USD để bồi thường và chăm sóc sức khoẻ.
Thế nhưng đến nay chính phủ và các công ty sản xuất chất dioxin vẫn phủ nhận trách nhiệm với nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam với lý do “không có bằng chứng khoa học tác hại của chất độc da cam/dioxin với sức khoẻ con người”.
Thực tế khoa học cùng những tiếng nói của lương tri cất lên từ phiên điều trần da cam/dioxin đầu tiên tại Quốc hội Mỹ đã cho thấy rằng không thể vin vào bất cứ lý do gì để chối bỏ trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.
Nghị sĩ Eni F. H. Faleomavaega, Chủ tịch Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương và Môi trường toàn cầu của Hạ viện, đã chỉ trích chính quyền Mỹ không chịu thừa nhận trách nhiệm pháp lý đối với những người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin và cho rằng Mỹ có bổn phận bù đắp những thiệt hại mà mình đã gây ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét