Poisondioxin

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI

Theo thống kê chưa đầy đủ thì bọn xâm lược Mỹ đã rải 11 lần chất độc hoá học (CĐHH) trong năm 1961, hơn 40 lần trong năm 1962, hơn 200 lần trong năm 1963. Năm 1964, chúng tiếp tục rải CĐHH với quy mô lớn hơn nữa và bắt đầu dùng cả hơi độc để giết hại nhân dân…”. 

Đó là một đoạn trong Tuyên bố ngày 20/10/1965 của Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước (lúc đó) về việc Mỹ dùng chất độc và hơi độc chiến tranh ở miền nam Việt Nam (đăng toàn văn trên tờ Tin tức hoạt động khoa học số 11/1965- UBKH&KTNN, nay là Tạp chí Hoạt động khoa học).
Cũng theo Tuyên bố này, những CĐHH được Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là 2,4 D; 2,4,5 T; DNC; xyanamit canxic,… trong đó 2,4,5 T chính là chất có khả năng sinh ra một tạp chất, đó là 2,3,7,8 Tetra chloro dibenzo-p-Dioxin (thường gọi tắt là Dioxin). Những tác hại do các chất này gây ra đối với cơ thể con người và môi trường như thế nào đã được các nhà khoa học lúc đó nhắc đến với các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, choáng váng, đi ngoài ra máu, ngạt thở, tức ngực, mê man bất tỉnh rồi chết…. Đó chỉ là những triệu chứng tức thời với hơn 2 triệu người bị nhiễm độc, trong đó khoảng 3500 người bị chết ngay. Còn những người bị nhiễm độc nhiều lần và còn sống sót thì có những biểu hiện mờ mắt; nhức đầu, mất ngủ dai dẳng; sẩy thai; đẻ con quái thai, dị tật…. Vấn đề này đã được Bộ trưởng y tế Phạm Ngọc Thạch và giáo sư Tôn Thất Tùng nêu ra từ tháng 12 năm 1970 trong một hội nghị khoa học tại Orsay- Paris (Pháp). Hội nghị này đã ra một tuyên ngôn về tính chất huỷ diệt (thiên nhiên và sự sống) của chiến tranh hoá học và lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh này. Ngày 15/10/1980, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập Uỷ ban 10- 80 với nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu về hậu quả chất hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Năm 1982, trong một bài viết về chiến tranh và môi trường ở Việt Nam (đăng trên Tạp chí Hoạt động khoa học số 4/1982), giáo sư Hoàng Đình Cầu đã công bố các số liệu bất thường trên người mà các nhà khoa học đã phát hiện ở Việt Nam từ những năm cuối thập kỷ 60: Trên các phụ nữ có liên quan gần, xa đến các CĐHH thì tỷ lệ sẩy thai tăng hơn 50%; đẻ non tăng gấp 3 lần; đẻ con dị tật bẩm sinh, quái thai tăng gấp 15 lần; vô sinh tăng 2 lần; chửa trứng và ung thư rau phát triển một cách bất thường ở cả những phụ nữ trẻ. Một điều bất ngờ là các cựu chiến binh Mỹ và gia đình của họ cũng có nhiều biểu hiện bệnh tật giống như các hiện tượng gặp ở Việt Nam, nhiều năm sau khi họ trở về nước. Năm 1993, Uỷ ban 10- 80 đã tổ chức một hội thảo quốc tế về hậu quả lâu dài của các chất diệt cỏ và phát quang dùng trong chiến tranh Việt Nam. Tại Hội thảo này, các nhà khoa học của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã đưa ra nhiều kết quả nghiên cứu chứng minh rằng các chất diệt cỏ này có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, cụ thể là làm giảm sức đề kháng của con người, trên cơ sở đó làm các bệnh mãn tính và nhiễm trùng của con người phát triển rầm rộ hơn (đặc biệt là các bệnh nội tiết: Đái đường, bướu giáp trạng; ung thư đường hô hấp, gan…); nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cao hơn ở những người bình thường khác; tỷ lệ đẻ con dị tật ở những vùng bị rải chất diệt cỏ trong chiến tranh Việt Nam cao hơn từ 5 đến 10 lần so với những vùng không bị rải… Mặc dù các nhà khoa học của Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới, kể cả Mỹ, Nhật, ý… đã đưa ra rất nhiều bằng chứng nghiên cứu khoa học chứng minh sự liên quan giữa CDC/Dioxin đến con người và môi trường, song Mỹ dường như vẫn “im hơi lặng tiếng”, thậm chí còn phủ nhận điều này. Cho đến năm 1998, Mỹ vẫn cho rằng Việt Nam “chưa làm được gì” trong vấn đề nghiên cứu về CDC/Dioxin vì Mỹ vẫn chưa công nhận một điều gì về ảnh hưởng của CDC/Dioxin đối với con người và môi trường Việt Nam (trong khi đó, trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của những cựu chiến binh Mỹ đã chiến đấu ở miền nam Việt Nam đòi Mỹ phải có trách nhiệm đối với những hậu quả về sức khoẻ của họ do phải tiếp xúc với CDC/Dioxin trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để chữa bệnh và đền bù cho họ). Tuy nhiên, đến năm 2000, phía Mỹ đã có những dấu hiệu thay đổi tích cực về vấn đề này. Trong chuyến sang thăm Việt Nam vào năm này, Tổng thống Mỹ Bin Clintơn lúc đó đã nói lời xin lỗi nhân dân Việt Nam và hứa sẽ cùng Việt Nam bắt tay vào việc nghiên cứu, khắc phục ảnh hưởng của CDC/Dioxin lên cơ thể con người và môi trường Việt Nam. Tháng 8/2000, cùng với Hội thảo Dioxin hàng năm do Tổ chức y tế thế giới tổ chức, phía Mỹ đã tổ chức cuộc hội thảo bàn về chiến lược hợp tác với Việt Nam trong việc nghiên cứu hậu quả Dioxin ở Việt Nam. Sau cuộc Hội thảo này, từ ngày 27/11/2000 đến ngày 1/12/2000, tại Singapo, Hội nghị Việt- Mỹ được tiến hành bàn về vấn đề phối hợp triển khai nghiên cứu khắc phục hậu quả của chất da cam (CDC)/Dioxin lên con người và môi trường. Mặc dù tại Hội nghị này, phía Mỹ đã không đáp ứng được các yêu cầu của Việt Nam, nhưng cả hai bên cùng có cơ hội để trao đổi các quan điểm của mình. Nửa năm sau, tháng 7/2001, tại Hà Nội, các nhà khoa học Việt Nam và Mỹ đã thoả thuận ký cùng nhau 2 dự án hợp tác nghiên cứu khoa học: Một là, lần đầu tiên 2 nước sẽ cùng tổ chức Hội nghị quốc tế về hậu quả CDC/Dioxin đối với con người và môi trường nhằm trao đổi thông tin cần thiết và các kết quả nghiên cứu liên quan của hai nước cũng như của các nước khác kể từ sau Hội thảo quốc tế năm 1993. Hai là, các nhà khoa học 2 nước sẽ cùng nhau tiến hành dự án nhằm nâng cao năng lực nhận biết tồn lưu Dioxin trong con người và môi trường Việt Nam và khảo nghiệm thực tế các giải pháp khắc phục hậu quả, trên cơ sở đó nghiên cứu xây dựng các dự án nhằm xử lý các điểm nóng về Dioxin.
Thực hiện dự án 1, từ ngày 3-6/3/2002, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị khoa học Việt- Mỹ về ảnh hưởng của chất độc da cam/Dioxin lên sức khoẻ con người và môi trường. Đây là lần đầu tiên Chính phủ 2 nước Việt Nam và Mỹ cho phép 2 bên cùng chuẩn bị nội dung và chương trình Hội nghị với 400 khách mời (trong đó có 70 đại biểu Mỹ). 96 báo cáo khoa học đã được trình bày tại Hội nghị (59 báo cáo của khách quốc tế, 37 báo cáo của Việt Nam) xoay quanh chủ đề: Tác hại của CDC/Dioxin đối với sức khoẻ sinh sản, tác động gây ung thư, tác động đến hệ miễn dịch và các biến đổi sinh học khác của cơ thể con người, giới thiệu các biện pháp can thiệp làm giảm gánh nặng bệnh tật trên con người, hạn chế tái phơi nhiễm cho cộng đồng; phương pháp đánh giá tác động của CDC/Dioxin đối với môi trường sinh thái, sự tồn lưu của CDC/Dioxin trong môi trường, giới thiệu những biện pháp can thiệp làm sạch và phục hồi môi trường sinh thái. Kết quả của các công trình nghiên cứu được báo cáo trong Hội nghị cho thấy một bức tranh tổng quát những bằng chứng khoa học về mối liên quan giữa CDC/Dioxin đối với sức khoẻ con người và môi trường sinh thái. Tuy nhiên do nhiều lý do chủ quan và khách quan, còn nhiều vấn đề chúng ta cần tiếp tục làm sáng tỏ bằng những nghiên cứu công phu và có tính thuyết phục hơn nữa.
Một ngày tiếp sau Hội nghị, 7/3/2002, đã diễn ra đồng thời 2 nhóm họp hội đồng tư vấn về các nghiên cứu sức khoẻ con người và môi trường. Nhóm họp hội đồng tư vấn nghiên cứu về sức khoẻ đề xuất 2 lĩnh vực nghiên cứu cần tiếp tục triển khai: Nghiên cứu về các quần thể dân cư hiện nay có mức độ phơi nhiễm Dioxin cao so với các quần thể dân cư có mức độ phơi nhiễm thấp và nghiên cứu về các liệu pháp nhằm giảm độ tồn lưu Dioxin trong con người (như một số bài thuốc dân tộc hiện đang được đề nghị tại Việt Nam). Trước mắt cần ưu tiên hàng đầu cho việc tập trung xây dựng năng lực cho hội đồng thẩm định tại các trung tâm y tế của Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho việc tham gia vào các hoạt động hợp tác và nghiên cứu với các nhà khoa học Mỹ. Xa hơn nữa cần tiến hành các nghiên cứu sinh sản hồi cứu và công tác dự phòng, có sự phối hợp đồng bộ giữa nghiên cứu môi trường và sức khoẻ. Tại nhóm tư vấn về ảnh hưởng của CDC/Dioxin lên môi trường, các nhà khoa học 2 bên nhất trí sử dụng 2 địa bàn mô hình trình diễn thực địa cho các hoạt động nghiên cứu: Sân bay Đà Nẵng (khu vực phơi nhiễm cao, trước đây là một căn cứ quân sự trong chiến tranh) và rừng Mã Đà (rừng trên đất liền bị thoái hoá, gần thành phố Hồ Chí Minh). Mục tiêu cuối cùng cho công tác nghiên cứu và kế hoạch hành động cho khu vực Đà Nẵng là đạt được mức độ khả thi về tẩy độc song song với công tác nghiên cứu về các công nghệ tẩy độc/khắc phục, về tồn lưu và chu chuyển Dioxin cũng như về hậu quả đối với hệ thực vật và động vật tại khu vực này. Mục tiêu đối với khu vực Mã Đà là phục hồi các khu vực rừng bị tàn phá trở lại tình trạng có thể thúc đẩy sự phát triển hệ thống sinh thái rừng nhiệt đới. Tất cả những kế hoạch, lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên này đã được các nhà khoa học thuộc Bộ khoa học, công nghệ và môi trường Việt Nam, Bộ y tế Việt Nam, Viện quốc gia về khoa học môi trường và sức khoẻ Hoa Kỳ, Cục bảo vệ môi trường Hoa Kỳ, Trung tâm phòng chống bệnh của Hoa Kỳ thảo luận và nhất trí tại phiên họp ngày 8/3/2002. Để ghi nhận những thoả thuận mà 2 bên đã đạt được tại Hội nghị lần này, ngày 10/3/2002, 2 bên đã cùng nhau ký kết Biên bản ghi nhớ đánh dấu cuộc gặp lần này. Hy vọng rằng, đây sẽ là một bước tiến mới tốt đẹp và thực tiễn tạo điều kiện cho Chính phủ và các nhà khoa học của cả 2 nước có thể phối hợp chặt chẽ và tích cực hơn trong việc nghiên cứu và khắc phục hậu quả CDC/Dioxin đối với sức khoẻ con người và môi trường Việt Nam. Đây không chỉ là vấn đề nhân đạo đối với những nạn nhân bị hậu quả CDC/Dioxin mà còn là vấn đề trách nhiệm, lương tâm của Chính phủ Mỹ với những gì mà họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét