Trong thời gian 1962 – 1971, phi công Mĩ đã thực hiện 19.905 phi vụ, chứ không phải 10.000 như báo cáo trước đây của Nhà năm góc, để xịt hóa chất xuống Việt Nam. Tính trung bình, mỗi ngày có đến 11 phi vụ. Trong suốt 10 năm thi hành chiến dịch, có 5 máy bay bị rớt.
Một vài nhận xét
Những tưởng hơn 30 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, chúng ta sẽ biết nhiều hơn về qui mô và tác hại của hóa chất màu da cam, nhưng trong thực tế chúng ta biết không nhiều. Ngay cả những câu hỏi cơ bản như bao nhiêu lít hóa chất đã được rải xuống Việt Nam, tưởng đã được trả lời từ lâu qua báo cáo của quân đội Mĩ, nhưng qua nghiên cứu cực kì công phu này, chúng ta thấy câu trả lời của quân đội Mĩ thiếu chính xác, và có khuynh hướng thấp hơn, nhẹ hơn, làm giảm mức độ và qui mô của chiến dịch Ranch Hand. Ngay cả con số mà nghiên cứu mới nhất báo cáo vẫn chưa là con số chính xác tuyệt đối. Con số dioxin, dù cao gấp 4 lần so với ước tính trước kia, vẫn chưa phải là con số thực, và khả năng còn cao hơn nhiều. Kết quả của công trình nghiên cứu này, do đó, làm cho chúng ta phải xem xét lại những hiểu biết về qui mô của cuộc chiến mà Bertrand Russell cho là một cuộc chiến tranh hóa học, và thẩm định lại những kết quả tích cực cũng nhiêu tiêu cực của những nghiên cứu trước đây.
Một trong những ứng dụng của kết quả nghiên cứu của nhóm Columbia là việc xác định đối tượng trong các nghiên cứu tương lai ở Việt Nam. Để xác định một mối liên hệ giữa một yếu tố và một chứng bệnh, điều quan trọng hàng đầu là xác định đối tượng nghiên cứu, tức là những ai mà thông tin y khoa có khẳ năng thiết thực cho đề tài và mục tiêu của công trình nghiên cứu. Chẳng hạn như nếu muốn xác định mối liên hệ giữa dioxin hay chất màu da cam và dị tật bẩm sinh, cuộc nghiên cứu phải bao gồm những người từng sống và thực sự bị ảnh hưởng hóa chất trong thời chiến tranh.
Trong quá khứ, có khá nhiều nghiên cứu trên các cựu quân nhân Mĩ kết luận rằng dioxin không có ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường, ung thư tuyến tiền liệt, hay dị tật bẩm sinh. Có thể một trong những lí do mà những nghiên cứu này cho ra kết quả “tiêu cực” là các nhà nghiên cứu đã chọn các đối tượng không thích hợp, và đó là một điều mà giới cựu chiến binh Mĩ thường hay phàn nàn. Thực ra, ngay cả Cơ quan phòng chống và kiểm soát bệnh tật Mĩ (Centers for Disease Control and Prevention) cũng từng than rằng họ không biết chọn ai làm đối tượng để nghiên cứu. Do đó, kết quả nghiên cứu của nhóm Columbia đã giải quyết tháo gỡ một khó khăn cho những nhà nghiên cứu chất màu da cam trong tương lai. Kết quả này còn đóng góp một phần tích cực và quan trọng cho các công trình nghiên cứu ở Việt Nam, vì qua bản đồ sẽ công bố nay mai, các nhà khoa học ở Việt Nam có thể xác định chính xác ai và địa điểm nào cần được nghiên cứu.
Đã từ lâu, giới khoa học nước ngoài hay nghi ngờ các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam. Họ cho rằng các nhà khoa học Việt Nam có khuynh hướng ước tính mức độ ảnh hưởng của hóa chất khai hoang quá cao. Nhưng những nghi ngờ đó, qua ánh sáng của kết quả nghiên cứu của Đại học Columbia, là rõ ràng thiếu cơ sở. Ở Ý, chỉ 30 kg dioxin bị thải ra môi trường mà đã gây rất nhiều tác hại cho sức khỏe cư dân trong vùng, kể cả ảnh hưởng đến hệ thống tái sản sinh, thì ở Việt Nam, với hơn 360 kg dioxin và hơn 76 triệu lít hóa chất khác, mức độ tác hại chắc chắn sẽ cao hơn nhiều, và nếu có nhiều bệnh tật [trong cư dân người Việt sống trong các vùng từng bị ảnh hưởng] được phát hiện thì cũng không phải là một điều gì quá xa xỉ.
Nhà nước Việt Nam thường đề cập đến con số 1 triệu cư dân từng bị ảnh hưởng hóa chất khai hoang trong thời chiến. Nhưng theo kết quả nghiên cứu này, con số cư dân bị ảnh hưởng cao hơn nhiều, cao hơn ít nhất là gấp hai lần. Đó là chưa kể đến con số cựu quân nhân, những người là đối tượng chính của chiến dịch Ranch Hand, từng bị ảnh hưởng. Do đó, trong thực tế, con số người Việt bị ảnh hưởng từ hóa chất khai hoang chắc chắn hơn 2 triệu, hay như ước tính của các nhà nghiên cứu Columbia là là 4.8 triệu.
Kết quả nghiên cứu của Đại học Columbia còn góp phần giải thích tại sao hàm lượng dioxin trong máu của cư dân các vùng từng chịu ảnh hưởng hóa chất khai hoang vẫn còn cao. Theo một nghiên cứu được công bố khoảng 8 năm trước đây, hàm lượng dioxin trong cư dân miền Trung và Nam Việt Nam (nơi từng bị xịt hóa chất) là 15 ppt (15 phần nghìn tỉ – part per trillion), cao hơn so với cư dân miền Bắc Việt Nam (không bị xịt hóa chất trong thời chiến) khoảng 5 lần, và cao hơn cư dân Mĩ khoảng 3 lần [4]. Ngoài ra, có dấu hiệu cho thấy dioxin đã xâm nhập vào lòng đất, vì trong thời gian 1982 đến 1992, hàm lượng dioxin trong máu của cư dân miền Trung không giảm.
Nghiên cứu của nhóm Columbia còn cho thấy, như nhận định của Viện Y khoa Mĩ, việc tiến hành một chương trình nghiên cứu dịch tễ học về tác hại của dioxin hay chất màu da cam trong người Việt Nam ở Việt Nam hết sức cần thiết và quan trọng. Một nghiên cứu như thế hoàn toàn có thể thực hiện được với dữ kiện mới về đối tượng nghiên cứu mà công trình của Đại học Columbia cung cấp. Đã gần 30 năm sau cuộc chiến, nhưng vẫn chưa có một cuộc nghiên cứu cho qui mô và hệ thống để thẩm định mức độ của vấn đề, mối liên hệ giữa hóa chất màu da cam (hay dioxin) và bệnh tật trong đồng bào Việt Nam. Trong thời gian gần đây, cũng có một số nghiên cứu từ Việt Nam với sự giúp đỡ và cộng tác của các nhà khoa học nước ngoài, nhưng những nghiên cứu này chỉ mang tính mô tả, chưa đi sâu vào các vấn đề cấp bách và thiết thực mà thế giới đang quan tâm đến như nghiên cứu lâm sàng, di truyền học, và nghiên cứu cơ chế sinh học của tác hại của dioxin, v.v…
Nói tóm lại, công trình nghiên cứu mới nhất của nhóm dịch tễ học tại Đại học Columbia là một đóng góp có ý nghĩa và quan trọng vào công cuộc nghiên cứu ảnh hưởng của dioxin nói riêng và hóa chất khai hoang nói chung ở Việt Nam. Nó có thể giải thích tại sao các nghiên cứu trong quá khứ chưa cho ra những kết quả nhất quán. Công trình này còn nhắc nhở chúng ta về qui mô của cuộc chiến, đặc biệt là – nói theo ngôn ngữ của chính phủ Mĩ năm 2003 – khía cạnh hủy diệt hàng loạt của một cuộc chiến dính dáng đến hóa chất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét