Poisondioxin

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Chất độc màu da cam vẫn là một bóng ma với Việt Nam

Hơn 30 năm sau ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, chất độc hoá học màu da cam vẫn tồn tại ở mức cao đáng sợ, đe doạ sức khoẻ người dân ở một căn cứ không quân cũ của Mỹ tại Đà Nẵng. Đó là nhận định của hãng thông tấn AP dựa vào kết quả của một nhóm nghiên cứu nước ngoài về chất độc này.
“Trong đời mình tôi chưa bao giờ thấy loại chất độc đó tồn tại ở mức cao đến thế”, Thomas Boivin, nhà khoa học tiến hành các cuộc nghiên cứu vào mùa xuân vừa qua, cho biết. “Nếu vùng này được đặt ở Mỹ hoặc Canada, thì chắc chắn nó đã được nghiên cứu một cách cẩn thận và đã được làm sạch ngay lập tức”.

Các cuộc nghiên cứu trên đất do Công ty của Boivin, Công ty tư vấn Hatfield Canada thực hiện cũng phát hiện nồng độ dioxin, hợp chất hoá học cực độc có trong chất hoá học màu da cam, cao gấp 300 đến 400 lần mức độ cho phép của quốc tế.

Tuy báo cáo chưa được công bố, nhưng Boivin và các quan chức Việt Nam đã tóm tắt những kết quả nghiên cứu chính nhất gửi cho hãng thông tấn AP.

Những cuộc kiểm tra trước đó của Công ty Hatfield, một công ty đã làm việc ở Việt Nam từ năm 1994, cho thấy, nồng độ dioxin ở mức an toàn trên khắp đất nước Việt Nam. Nhưng chỉ đến nghiên cứu về căn cứ không quân cũ ở Đà Nẵng này, công ty mới thấy được những con số đáng sợ như trên.

Trong chuyến thăm Việt Nam mùa thu năm ngoái, Tổng thống Mỹ Bush và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã đồng ý cùng nhau giải quyết vấn đề ô nhiễm dioxin ở một số khu vực trước kia lưu trữ chất độc hoá học màu da cam. Hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục thảo luận thêm về vấn đề này trong chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tới Washington vào tuần tới.

Mức độ ô nhiễm dioxin nặng nề chưa từng thấy ở Đà Nẵng mới chỉ bó hẹp trong một phần nhỏ của căn cứ rộng 2.100ha, một nơi trước kia dùng để chứa và trộn chất độc màu da cam.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tuy chất dioxin chưa gây nguy hại ngay tức thì đối với gần 1 triệu người dân thành phố Đà Nẵng và những người ở Sân bay quốc tế Đà Nẵng, nhưng qua thử nghiệm máu, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hàm lượng dioxin rất cao trong cơ thể của hàng chục người thường xuyên đánh bắt cá hoặc thu hoạch hoa sen ở trong một chiếc hồ bị nhiễm độc trong khu vực.

Nghiên cứu cũng khẳng định, nước mưa có chứa dioxin đã đổ xuống cống rãnh của thành phố và một phần của vùng lân cận, nơi có hơn 100.000 dân sinh sống, Boivin cho biết. Mức độ dioxin ở đây tuy có thấp hơn các vùng khác chút ít nhưng sẽ tăng lên nếu không được làm sạch.

Mức độ dioxin ở bên ngoài căn cứ không quân giảm đáng kể, Charles Bailey, nhà đại điện của Quỹ Ford ở Việt Nam, cơ quan tài trợ cho Công ty nghiên cứu Hatfield, cho biết. “Tuy nhiên, sức khoẻ của cộng đồng đang bị đe doạ”.

Mỹ dự định sẽ chi 400.000 USD cho một nghiên cứu làm sạch khu vực căn cứ không quân bị nhiễm chất độc dioxin ở Đà Nẵng, và Ford, một tổ chức từ thiện ở New York, cũng sẽ tài trợ cho những cuộc đánh giá mức độ nhiễm độc hiện nay, sẽ bắt đầu được tiến hành vào mùa hè này.

Tuy nhiên đối với một số người, những cố gắng trên đã quá muộn.

Đó là trường hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, 38 tuổi. Gia đình anh sống ở ngay bên ngoài căn cứ không quân từ năm 1990. Anh thường mang cá bắt được từ hồ sen gần đó về nhà ăn. Từ khi lên hai, đứa con gái của anh bắt đầu có những biểu hiện khác thường về sức khoẻ.

Xương ống chân của Nguyễn Thị Kiều Nhung bị uốn cong, và trông như bị vỡ ở nhiều chỗ, như có ai đó dùng búa ghè lên. Xương vai phải của cô bé nhô ra một cách bất bình thường, kéo căng cả phần da bao bọc. 7 tuổi nhưng cô bé mới chỉ có hai chiếc răng, mắt phải của cô bé lồi ra khỏi hốc, và cô bé đau nhức khắp mặt. Cô bé không thể đi, chỉ trườn và lết bằng mông.

Khi mẹ cô bé, chị Lưu Thị Thu, thay áo cho Nhung, cô bé đã hét lên đau đớn. “Nếu trước kia họ không làm thế, thì chúng tôi sẽ không phải chịu như thế này”, chị Thu nói. “Tôi căm giận vô cùng, nhưng không biết làm thế nào cả. Mỗi tháng tôi lên chùa hai lần để cầu nguyện cho đứa con gái nhỏ của tôi khoẻ hơn”.

Nhưng các bác sỹ nói cô bé sẽ không bao giờ khoẻ lên được.

Quân đội Việt Nam cũng đã cố gắng rất nhiều để loại bỏ chất độc dioxin, nhưng theo ông Lê Kế Sơn, một quan chức nghiên cứu về chất độc màu da cam hàng đầu của Việt Nam, việc làm sạch Đà Nẵng và những điểm nóng có chất độc màu da cam khác sẽ tốn kém ít nhất 40 triệu USD. Con số này nằm ngoài khả năng của đất nước đang phát triển Việt Nam.

“Chúng tôi đã yêu cầu phía Mỹ làm nhiều việc hơn, không chỉ nghiên cứu ảnh hưởng của chất độc hoá học màu da cam, mà phải giải quyết hậu quả của nó”, ông cho biết.

Trong suốt cuộc chiến ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã dự trữ chất độc màu da cam trong các thùng ở sân bay, và trộn chất đó với nước trước khi chất lên máy bay.

Dioxin sẽ ở trong đất, cát qua nhiều thế hệ, và gây nguy hiểm cho những ai sờ phải nó. Mặc dù nó không bị ngấm qua lúa gạo, nhưng sẽ ở trong mỡ cá và các động vật khác rồi có thể truyền sang người qua thức ăn.

Dự án Đà Nẵng đã đánh dấu sự thay đổi lớn trong thái độ của người Mỹ đối với chất độc màu da cam, Chuck Searcy thuộc Quỹ tưởng nhớ cựu chiến binh Việt Nam của Mỹ cho biết.

“Nhiều năm qua, qua điểm của Mỹ về cơ bản là phủ nhận. Nhưng giờ người Mỹ muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ xem xét tất cả khả năng có thể và cố gắng đồng ý với cách tiếp cận vấn đề này”.

Theo dantri.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét