Poisondioxin

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Dioxin là chất gì?

Ngày 18-6, toà phúc thẩm Liên bang Mỹ tại thành phố New York đã bắt đầu phiên tranh tụng về đơn kháng cáo của các nạn nhân Việt Nam nhiễm chất độc dioxin, kiện 37 công ty Mỹ đã sản xuất ra loại chất độc này, và kết quả ra sao, có lẽ phải chờ một thời gian nữa. Trong bài viết này, xin giới thiệu đến bạn đọc về chất độc dioxin, nó là chất gì, tác hại đến đâu và quân đội Mỹ đã sử dụng dioxin ở miền nam Việt Nam như thế nào?…
Lịch sử của Dioxin
Năm 1941, khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ II đang bước vào giai đoạn khốc liệt, thì Giáo sư Krauss, Trưởng khoa Sinh vật Trường đại học Chicago, trong một thí nghiệm đã tình cờ phát hiện ra những loại hormone có khả năng làm ngừng trệ sự tăng trưởng của cây cỏ. Một trong những loại hormone này là chất 2,4D, khi phun lên cây, nó sẽ làm trụi lá trong khoảng từ 24 đến 48 tiếng đồng hồ rồi sau đó, cây chết.
Chiến tranh chấm dứt, chất 2,4D được người Mỹ áp dụng vào việc tiêu diệt những loại cỏ dại mọc ở hai bên đường giao thông, đường xe lửa. Năm 1950, những nhà nghiên cứu ở Bộ Quốc phòng Mỹ đã trộn lẫn chất 2,4D với chất 2,4,5T để cho ra một chất diệt cỏ nhanh hơn, mạnh hơn. Đó chính là dioxin, với công thức hoá học là 2,3,7,8 tetrachlorodibenzo-p-dioxin (TCDD).
Cần lưu ý rằng, trong tự nhiên không hề có dioxin mà dioxin được tạo ra bởi con người. Thành phần của dioxin bao gồm bảy chất TCDD, thay đổi theo sự hoán chuyển của phân tử clor, 10 chất polychlorinated-dibenzofurans (PCDF) và 12 chất polychlorinated diphenyls (PCB). Hàm lượng dioxin gây chết ở chuột là 0,0022kg/kg cân nặng, gây chết ở người là 0,1 mg/kg cân nặng. Dioxin chỉ hoà tan trong mỡ, trong xăng, dầu và không hoà tan trong nước.
Dioxin ở Việt Nam
Ngày 13-1-1962, lần đầu tiên chất diệt cỏ được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam với mật danh “Chiến dịch Ranch Hand”. Khi đó, chúng thường đựng trong những thùng sơn mầu da cam nên nó còn được gọi là “tác nhân cam” (agent orange). Trong ngày này, cứ mỗi ha cao-su ở vùng Bình Long, Phước Long phải chịu một lượng hoá chất cao hơn gấp 20 lần so với liều lượng cho phép, trộn lẫn với xăng hoặc dầu diesel và được phun từ máy bay. Chưa đầy một tuần lễ, cây cao-su ở vùng này đã rụng hết lá. Sau đó dioxin còn ảnh hưởng đến các khu vực lân cận trong phạm vi khoảng từ 1đến 4km đường kính (tuỳ theo chiều gió) với hậu quả là lá cây ở những vùng ảnh hưởng khô quắt rồi héo vàng dần.
Mục tiêu của chiến dịch Ranch Hand là nhằm khai quang những vùng rừng rậm, nơi có các căn cứ của Quân giải phóng, hoặc những khu vực quân sự của quân đội Sài Gòn và quân đội Mỹ – chủ yếu trên Tây Nguyên cùng nhiều tỉnh miền trung để Quân giải phóng không thể lợi dụng địa hình rậm rạp, um tùm tấn công, đánh phá. Suốt từ năm 1962 – mà cao điểm là những năm 1966, 1967, 1968, và kết thúc vào ngày 30-6-1971, Mỹ đã rải xuống miền nam Việt Nam gần 77 triệu lít hoá chất, trong đó có khoảng 370 kg dioxin. Tuy nhiên, khi chiến dịch Ranch Hand kết thúc, không quân quân đội Sài Gòn vẫn tiếp tục thực hiện những phi vụ rải hoá chất dọc theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh cho mãi đến tháng 3-1975, với số lượng khoảng 6 triệu lít hoá chất.
Năm 1966, không quân Mỹ đã dùng cả máy bay B52 để rải hoá chất trong chiến dịch “Hot Tip” ở Chu Prong, Pleiku, cũng như ở vùng chiến khu C, D thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh. Lượng hoá chất trong một chiếc B52 có thể tiêu diệt 7km2 rừng rậm. Đặc biệt hơn, ngày 1-6-1968, do trục trặc kỹ thuật, một máy bay C130 cất cánh từ sân bay Biên Hoà, đã đổ thẳng 4.500 lít hoá chất chứa dioxin xuống sông Đồng Nai.
Dioxin cung cấp cho quân đội Mỹ được sản xuất bởi 37 hãng. Một trong những hãng này là Diamond Alkali Co., nhà máy đặt tại thành phố Newark. Chỉ một thời gian ngắn sau khi đi vào hoạt động, đã có hơn 50 công nhân bị nhiễm độc da và điều này đã được bác sĩ Brodkin, Trưởng khoa Da liễu thuộc khoa Y, Đại học New Jersey cảnh báo. Tiếp theo, những tổn thương về gan được ghi nhận, đã khiến Thống đốc bang New Jersey phải ra lệnh cho người dân sống chung quanh nhà máy, phải dời xa ít nhất là 600 m.
Biết rằng dioxin là chất cực độc với cơ thể con người, nên năm 1967, một mật lệnh đã được Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại miền nam Việt Nam phổ biến đến các đơn vị lính Mỹ, là không hành quân trong phạm vi 2 km tính từ đường biên ngoài của vùng bị rải chất dioxin trong vòng 30 ngày kể từ lúc rải, bởi lẽ qua nghiên cứu, các nhà khoa học Mỹ đã nhận thấy dioxin tác động trực tiếp lên da và gan, sau đó đến các mô mềm. Điều nguy hiểm nhất là dioxin có khả năng thay đổi cấu trúc gien của tế bào, và điều này lý giải vì sao những người nhiễm dioxin, sinh ra con cái bị dị tật.
Không chỉ có chất “tác nhân cam” được quân đội Mỹ sử dụng tại miền nam Việt Nam vào năm 1968-1969 mà trước đó, từ năm 1962 đến 1964, còn có “tác nhân tím”, “tác nhân hồng”, “tác nhân trắng” và “tác nhân xanh”, chứa thạch tín (Arsenic). Hầu hết đều được pha trộn bởi hai hoá chất là dichlorophenoxy acetic acid (2,4D) và trichlorophenoxy acetic acid (2,4,5T) với tỷ lệ 50/50.Trong báo cáo của Công ty Hatfield Consultants, trụ sở đặt tại Ottawa, Canada, công bố vào ngày 9-4-2000 đã cho thấy, đất đai dọc theo dãy Trường Sơn, Việt Nam, hàm lượng dioxin cao gấp 90 lần so với mức cho phép. Trước đó – năm 1993, Hatfield Consultants cũng đã tiến hành nghiên cứu tại vùng A Lưới, Thừa Thiên – Huế, và cũng có kết luận về nồng độ chất dioxin cao gấp nhiều lần.
Khi rải xuống đất, khoảng 50% chất dioxin sẽ bị phân huỷ bởi ánh sáng mặt trời trong khoảng từ một đến ba năm. Tuy nhiên, lượng dioxin thấm xuống đất theo nước mưa, hoặc theo dòng chảy của sông suối, thì vài chục năm sau mới phân huỷ. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã liệt dioxin vào nhóm PBT (Persistent,. Bio-accumulation, Toxic – nhóm hoá chất độc hại và bền bỉ) vì nó tồn tại rất lâu trong đất và nước. Điều đó đã được chứng minh qua hàm lượng dioxin trong mô mỡ của một số động vật như cá, ếch, nhái sống tại các sông suối, nhất là những động vật sống trong bùn như cá trê, cá lóc, ốc, hoặc các loại gia cầm như gà, vịt, ngan, trâu, bò ở những vùng mà xưa kia, từng bị rải chất dioxin.
Tại xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, một trong những vùng trọng điểm của chiến dịch Ranch Hand, chiến tranh trôi qua đã hơn 30 năm nhưng 1/3 số gia đình ở đây vẫn chịu hậu quả của chất dioxin một cách rất nặng nề qua việc những đứa bé sinh ra bị dị tật. Tương tự như vậy, người dân sống trong các làng mạc ở gần sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định (một trong ba kho chứa hoá chất độc hại tại miền nam Việt Nam), đến nay vẫn phải hứng chịu hậu quả bi đát từ dioxin.
Đơn vị đo tác hại của dioxin trên cơ thể con người được tính bằng ppt (picrogram – phần tỷ của miligram), và một người khoẻ mạnh, chỉ cần nhiễm vài ppt là đã ảnh hưởng đến nhiều bộ phận. Hơn nữa, thời gian bán huỷ của dioxin trong cơ thể con người được ước tính từ 12 đến 20 năm. Nếu một người sống trong vùng bị rải dioxin vào năm 1970 – và bị nhiễm 200 ppt chẳng hạn, thì 12 năm sau – nghĩa là năm 1982, số lượng này còn 100 ppt. 12 năm sau nữa – năm 1994, nó còn 50 ppt và đến năm 2006, lượng dioxin vẫn còn 25ppt – nghĩa là vẫn thừa để sinh ra các bệnh ung thư, hoặc con cái bị dị tật.
Năm 1990, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ sau khi tiến hành kiểm tra trên 200.000 lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, đã chính thức thừa nhận rằng họ có nguy cơ mắc phải một số bệnh ung thư – đặc biệt là bệnh Hodkin Lympoma, và bảy công ty Mỹ sản xuất chất dioxin đã phải thu xếp để bồi thường 250 triệu USD cho các cựu binh bị nhiễm, đồng thời điều trị miễn phí cho họ và con cái họ các chứng bệnh do dioxin gây ra. Riêng ở Việt Nam, ước lượng có khoảng 5 triệu người bị nhiễm dioxin mà hậu quả là các chứng bệnh ung thư, từ ung thư gan đến ung thư dạ dày, ung thư buồng trứng… Bên cạnh đó còn có gần 150 nghìn trẻ em sinh ra bị dị tật như không có mắt, hệ cơ, xương không hoạt động hoặc hoàn toàn không nhận thức được với cuộc sống quanh mình…
Và đó là điều mà những hãng đã sản xuất ra chất dioxin không thể chối cãi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét