Poisondioxin

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Cựu binh Mỹ nói về chất da cam trong chiến tranh

Theo tiến sĩ James Clarry Lay, nhà khoa học tham gia lực lượng không quân Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam, không lực Mỹ biết chất màu da cam gây nguy hiểm lớn với sức khỏe con người, cũng như biết rằng công thức sử dụng chất diệt cỏ của quân đội có nồng độ dioxin cao hơn văn bản dân sự quy định.
“Tuy nhiên do chất diệt cỏ dùng để tấn công địch nên không ai trong chúng tôi quan tâm đến vấn đề đó. Chúng tôi không thể ngờ đến một cốt truyện bi thảm trong đó chính bản thân chúng tôi, những cựu chiến binh Mỹ trở về từ cuộc chiến ở Việt Nam, lại có thể bị nhiễm thuốc diệt cỏ” – tiến sĩ James nói.
Trong tham luận trình bày tại “Hội nghị khoa học Mỹ – Việt Nam về sức khỏe con người và những hậu quả về môi trường của chất dioxin” tổ chức vào tháng 3/2002 tại Hà Nội, cựu chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chất da cam/dioxin của Hội Cựu chiến binh Việt Nam ở Mỹ Paul Sutton cho biết, trong số những cựu chiến binh Mỹ khi trở về từ Việt Nam, một số mắc những các bệnh ngoài da, các bệnh về gan hay các bệnh ung thư lạ ở các cơ quan nội tạng phần mềm như phổi và dạ dày. Một số lượng cao bất thường về tỷ lệ sinh con bị khuyết tật trong số các cựu chiến binh. Nhiều cựu binh đã phát hiện mức dioxin cao trong máu. Chính ông Sutton, người tin rằng đã bị phơi nhiễm dioxin vì sau khi trở về từ Việt Nam, ông có 3 đứa con bị dị tật bẩm sinh.
Ông Sutton thừa nhận “mặc dù thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi ở Mỹ dưới dạng pha với nước hoặc dầu nhưng ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải thuốc diệt cỏ cao gấp 6 đến 25 lần so với tỷ lệ khuyến nghị của nhà sản xuất”.
“Đối với những lính Mỹ từng tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, hậu quả cuộc chiến tranh chưa kết thúc bởi vì đó là cuộc chiến tranh còn tiếp tục gây tổn thất cho những nạn nhân hàng thập kỷ sau khi hết tiếng tiếng súng – một cuộc chiến tranh với những chất diệt cỏ có chứa chất độc dioxin”, ông Sutton nói.
Chất da cam có nguồn gốc như một chất làm rụng lá cây được nghiên cứu trong thời gian diễn ra chiến tranh Thế giới lần thứ II khi giáo sư E.Y Kraus, Chủ tịch khoa thực vật học của trường Đại học Chicago, Mỹ phát hiện rằng sự phát triển của cây có thể bị điều chỉnh bằng hóa chất.
Nghiên cứu của giáo sư Kraus cho kết luận một lượng lớn hóa chất 2,4 diclorophenoxy – acetric acid (2,4D) sẽ làm cho cây phát triển không bình thường. Các nhà khoa học quân sự Mỹ lúc đó đã thử nghiệm chất 2,4D nhưng họ không kịp được sử dụng chất này cho tới khi chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc.
Tiếp tục thử nghiệm chất 2,4D từ năm 1950, các nhà khoa học quân sự Mỹ phát hiện ra hỗn hợp chất 2,4D và 2,4,5T (2,4,5 triclorophenoxy – acetic acid) khi được phun lên cây sẽ có tác dụng làm rụng lá. Tuy nhiên có một điều nguy hiểm dường như họ phớt lờ là hỗn hợp 2,4,5T có chứa dioxin – một hóa chất mà 20 năm sau chính cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ gọi là “một chất nguy hiểm nhất đối với con người”
Theo Bách khoa toàn thư Britanica “độc tính của dioxin là khả năng giết chết một số loại động vật mới sinh và cá khi sử dụng với tỷ lệ 28,35g/1 triệu tấn). Sự nguy hiểm của dioxin càng tăng do nó có thể xâm nhập vào cơ thể bằng nhiều đường như qua da khi tiếp xúc trực tiếp, qua phổi khi hít phải bụi, khói hoặc qua miệng.
Trong chiến tranh Việt Nam, để phát quang các khu rừng rậm nhiệt đới nhằm phá huỷ nơi trú ẩn của đối phương và xây dựng các trại đóng quân, trong suốt 9 năm (1962-1971) quân đội Mỹ đã rải lên hơn 2.000 ha rừng ở miền nam Việt Nam khoảng 19 triệu gallon một loại hóa chất có chứa dioxin hay còn gọi là chất da cam.
Theo những tài liệu được tiết lộ năm 1980 liên quan đến chiến dịch Ranch Hand, chiến dịch rải chất da cam đầu tiên mà quân đội Mỹ tiến hành tại Việt Nam, các sĩ quan quân đội Mỹ đã biết đến tác hại của việc dùng hóa chất làm rụng lá lên sức khỏe con người ngay từ năm 1967.

1 nhận xét:

  1. Cám ơn loạt bài viết rất hay của Tác giả. Tuy nhiên, bài viết sẽ có sức thuyết phục hơn nếu có nguồn dẫn chứng, tài liệu tham khảo hoặc một nguồn trích dẫn cụ thể.

    Trả lờiXóa