Poisondioxin

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Chiến tranh và những nỗi đau để lại

Chú Minh Đức, trưởng Hội nạn nhân chất độc Da cam huyện Đại Lộc trao tiền hỗ trợ cho mẹ con chị Thảo. Phạm Thị Minh Thảo từng là một cô gái xinh đẹp trong thôn, đã khước từ rất nhiều lời cầu hôn của các chàng trai để rồi phải lòng Việt – một anh nông phu vào làm thuê từ Ninh Bình. Hạnh phúc tưởng sẽ mỉm cười với cô, tuy nhiên nỗi đau mang tên “Da cam” đã ập đến…
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hiện toàn huyện Đại Lộc có tổng số 3.762 nạn nhân bị di chứng của chất độc da cam-dioxin, trong đó có gần 1.000 đối tượng là trẻ em. Con của chị Phạm Thị Minh Thảo là một trong số này.
Nơi ngôi nhà chị Thảo sống cùng đứa con gái tật nguyền (Cháu Phạm Thị Kim Nhẫn, 11 tuổi) ở thôn 9, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam là một vùng quê rất đẹp được bồi đắp bởi phù sa của sông Vu Gia. Đằng sau sự thanh bình yên ả ấy, là những cuộc tình và những mảnh đời bất hạnh…

Nỗi đau da cam
Bằng giọng nghẹn ngào, chị Thảo bồi hồi nhớ lại những ngày tháng xa xưa. Lúc đó, Thảo là một thiếu nữ trẻ trung và xinh đẹp. Cuộc sống cứ nhẹ nhàng trôi qua, cho đến một ngày có chàng trai trẻ nọ xuất hiện trong chính ngôi nhà của cô. Anh vào đây là để làm rừng và lập nghiệp. Chàng trai đó là Phạm Văn Việt, quê huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình – mảnh đất nơi ba Thảo ngày xưa tòng quân vào Nam đánh giặc cứu nước rồi sau đó bị nhiễm chất độc da cam. Với đức tính hiền lành của người thanh niên vùng chiêm trũng, nên ba mẹ cô cảm mến và cho về nhà họ ở.
Ngày tháng trôi đi, tình cảm giữa Việt và Thảo cũng nảy sinh, từ chổ là một cô thiếu nữ có phần kiêu kì, đã khước từ rất nhiều câu ngõ lời của các chàng trai trong thôn. Thảo đã đem lòng yêu thương Việt.
Cuộc tình của hai người đã đến ngày hái trái chín. Đám cưới diễn ra giữa những lời chúc mừng hạnh phúc và niềm vui vô bờ bến của họ hàng, bạn bè. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ càng được vun đắp khi chị mang thai đứa con đầu lòng. Từ ngày biết Thảo có bầu, Việt rất vui mừng và càng chăm chỉ lao động hơn. Việc gì anh cũng giành hết để làm, không để cho Thảo phải vất vả chút nào. Một buổi chiều mùa hè năm 1998, khi cái thai của Thảo còn năm ngày nữa tròn chín tháng, cô chuyển dạ dữ dội, sau đó được chồng đưa đến trạm xá và cháu Phạm Thị Kim Nhẫn đã chào đời.
Thảo sụt sùi: “Sinh ra, cháu đã rất yếu và chân tay thì mảnh khảnh, không được bình thường. Ai cũng nghĩ rằng đó là do cháu sinh thiếu tháng, bị suy dinh dưởng nên như vậy. Em có ngờ đâu…”.
Hòn vọng phu…sống
Đã 11 năm trời trôi qua, từ khi Kim Nhẫn ra đời, mẹ con Thảo phải sống lay lắt nhờ khoản tiền trợ cấp của Hội nạn nhân chất độc da cam huyện, các tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước cũng như sự giúp đỡ từ bà con hàng xóm. Cháu Nhẫn ngày một bị đau nặng hơn, tất cả mọi sinh hoạt bình thường của cháu đều phải thông qua sự giúp đỡ của người khác. Nhưng còn ai đâu, mẹ Thảo già yếu, hay ốm đau, chẳng giúp gì được cho Thảo. Thảo vừa lo cho mẹ vừa chăm sóc đứa con tật nguyền.
Những giọt nước mắt không ngớt tuôn rơi trên đôi gò má đã chai lại vì nắng mưa cuộc đời, chị Thảo tiếp tục câu chuyện: sau khi bé Nhẫn tròn 1 tuổi trong gia đình bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn. Chồng em thường đi về khuya, hay uống rượu, hút thuốc, nổi nóng và gây sự với mẹ con em. Trong khi đó, bệnh tình của cháu không có gì tiến triển tốt, mọi hy vọng về việc cháu sẽ được bình thường như những đứa trẻ khác cũng vơi dần theo ngày tháng. Khi Nhẫn được 3 tuổi, biết chắc cháu bị nhiễm chất độc da cam, anh Việt đã bỏ rơi mẹ con em ra đi biền biệt tới bây giờ.
Hơn 8 năm qua, Thảo phải thui thủi nuôi đứa con bệnh tật. Nhiều lúc túng quẩn quá, chị muốn tìm đến cái chết, nhưng vì còn bé Nhẫn không ai chăm sóc, nên cũng thôi không làm liều nữa.
Người cảm thông với con gái Thảo nhất chính là ba của cô, nhưng ông cũng đã ra đi cách đây hơn một năm, vì tuổi cao và những cơn đau do di chứng bệnh tật thời ông ở bộ đội để lại.
Lúc còn sống, ông ngoại Đỗ Lương của Nhẫn thường xuyên thay Thảo chăm sóc cháu, nên chị cũng được đỡ đần phần nào, còn có thời gian trồng được cây rau trong vườn, nhưng từ khi ông mất đi Thảo chẳng làm lụng được bất cứ việc gì, vì thời gian chủ yếu dành để chăm sóc mẹ già và con, đặc biệt là những lúc Nhẫn lên cơn thì vất vả vô cùng.
Ngoài trời, mưa vẫn cứ rả rích rơi như muốn hoà vào chuyện tình buồn của chị Thảo…
Ngồi trên chuyến xe rời mảnh đất miền núi xa xôi, nghĩ về hình ảnh mẹ con Thảo, tôi chợt thấy chạnh lòng thương cảm. “Em không hề hận ai hết, chỉ trách số phận mình thôi! Em chỉ cầu mong con em bớt đi những cơn động kinh và mẹ em khoẻ mạnh hơn” – Thảo bế con, nói trong dòng nước mắt, khi tiễn chúng tôi ra về. Căn nhà tạm bợ, tiếng thét do từng cơn động kinh của cháu Nhẫn cứ ám ảnh…
Đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện thương tâm mà tôi được nghe và kể lại, hy vọng có những tấm lòng đồng cảm, sẻ chia với sự cực khổ mà mẹ con chị Thảo nói riêng và rất nhiều nạn nhân chất độc da cam tại huyện miền núi còn nhiều khó khăn cũng như hàng triệu nạn nhân trên đất nước Việt Nam.
Sống yên bình trên quê hương một thời mưa bom bão đạn, mỗi người chúng ta hãy luôn tâm niệm rằng “nỗi đau da cam không của riêng ai”, để luôn nhớ và biết ơn những người đã hy sinh xương máu đổi lấy hai chữ… “Hoà Bình”…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét