Poisondioxin

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Cuộc chiến hóa học phi pháp lớn nhất trong lịch sử chiến tranh

Cuộc chiến Việt Nam (dùng theo cách nói của người Mỹ, Vietnam war) kéo dài 14 năm trời từ 1961 đến 1975. Trong thời gian đó, ngoài số lượng vũ khí và đạn dược khổng lồ, quân đội Mỹ còn sử dụng đến hóa chất như là một vũ khí chiến tranh trong suốt 10 năm từ 1961 đến 1971. Trước Việt Nam, hóa chất cũng được Mỹ và Anh sử dụng trong Thế chiến thứ hai, và Anh trong cuộc chiến chống du kích quân ở Mã Lai vào thập niên 1950s; nhưng chưa bao giờ trong lịch sử chiến tranh, hóa chất được sử dụng lâu dài như ở Việt Nam. 

Trong những câu hỏi liên quan chiến dịch sử dụng hóa chất trong cuộc chiến Việt Nam mà dư luận thế giới thường đặt ra là có phải đó là một cuộc chiến tranh hóa học, và việc sử dụng độc chất như thế có hợp pháp hay không. Trong đơn kiện các công ti sản xuất và cung cấp hóa chất cho quân đội Mỹ trong thời chiến, trong số 12 tội phạm mà luật sư đại diện cho phía nguyên đơn (Hội nạn nhân độc chất da cam tại Việt Nam) truy tố có một số tội như Tội phạm Chiến tranh (War Crime), Tội phạm chống lại nhân loại (Crimes Against Humanity), và Tra tấn (Torture).
Đây không phải là những viện lý mới, vì ngay trong lúc chiến dịch Ranch Hand xịt hóa chất vào thập niên 1960s đang ở đỉnh cao, giới khoa học và khoa bảng Mỹ đã khẳng định rằng việc sử dụng độc chất một cách có chủ tâm và hậu quả tàn phá môi sinh là một tội phạm chống lại nhân loại (crime against humanity). Lúc đó, nhà toán học lừng danh Bertrand Russell cũng tố cáo thẳng thắn rằng quân đội Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam, qua việc sử dụng hóa chất có khả năng gây ra ung thư trong con người. Phản ứng của chính phủ Mỹ lúc đó cũng có thể đoán được: họ cho rằng đó không phải là một cuộc chiến hóa học, và những hóa chất mà họ dùng không nằm trong danh sách vũ khí hóa học. Vậy chúng ta thử xét qua vài sự thật xem phản ứng của chính phủ Mỹ có đúng với thực tế và có lý hay không.
Chiến tranh hóa học?
Báo cáo của Liên hiệp quốc viết năm 1969 định nghĩa các tác nhân chiến tranh hóa học (chemical warfare agents) là “… những hóa chất – dù là khí, chất lỏng hay chất đặc – có thể sử dụng vì ảnh hưởng độc hại của chúng trên con người, thú vật và thực vật.”
Qui ước về Vũ khí hóa học (The Chemical Weapons Convention) định nghĩa vũ khí hóa học không chỉ bao gồm những độc chất nhưng còn kể cả đạn dược và thiết bị sử dụng để phân tán độc chất nữa. Độc chất được định nghĩa bao gồm “ … bất cứ hóa chất nào có tác hại đến sự sống của con người, và gây ra tử vong, thương tật cho con người và thú vật.”
Dioxins được xem là một trong những độc chất nguy hiểm nhất trong các hóa chất do con người tạo ra và biết đến. Năm 1997, Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (International Agency for Research on Cancer) cũng phân loại dioxins là một độc chất có khả năng gây ra ung thư cho con người. Tưởng cần nhắc lại là trước đây, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (Environmental Protection Agency, EPA, Mỹ) chỉ phân loại dioxin như là một chất “có thể gây ra ung thư”. Nhưng trong một báo cáo khoa học mật được đệ trình lên Quốc hội Mỹ, các nhà nghiên cứu Mỹ đã khẳng định rằng dioxin gây ra nhiều ung thư trong con người, kể cả ung thư máu và ung thư phổi. Họ cũng đề nghị EPA phân loại lại dioxin là độc chất số một, tức độc hại nhất trong các hóa chất.
Đô đốc Elmo Zumwalt từng là một sĩ quan hải quân cấp đại úy trong thời tham chiến tại Việt Nam. Ông có một đứa con trai qua đời năm 1988, mà ông tin rằng nguyên nhân là vì ông từng chịu ảnh hưởng độc chất da cam trong thời chiến. Trong một tài liệu giải mật ông soạn thảo và đệ trình lên Quốc hội Mỹ vào năm 1988, ông có trích dẫn một phát biểu quan trọng của Tiến sĩ James R. Clary thuộc cơ quan nghiên cứu vũ khí hóa học (Chemical Weapons Branch) trực thuộc Airforce Armament Development Laboratory (Florida) cho biết giới quân sự Mỹ đã biết hóa chất mà họ sử dụng trong chiến dịch khai hoang ở Việt Nam có nồng độ độc hại cao hơn nồng độ bình thường. Tiến sĩ Clary viết [tạm dịch]: “Lúc chúng tôi (các nhà khoa học quân đội) khởi xướng chương trình khai hoang vào thập niên 1960s, chúng tôi biết tiềm năng độc hại của chất dioxin chứa trong hóa chất diệt cỏ. Chúng tôi còn biết rằng công thức mà giới quân sự dùng có nồng độ dioxin cao hơn nồng độ mà giới dân sự dùng, vì chi phí rẻ và thời gian sản xuất ngắn. Tuy nhiên, vì hóa chất sẽ được dùng trên kẻ thù, không ai trong chúng tôi quan tâm thái quá. Chúng tôi không bao giờ nghĩ là quân đội chúng ta lại bị nhiễm độc chất. Và, nếu chúng tôi nghĩ đến tình huống này, chúng tôi mong muốn chính phủ chúng ta giúp đỡ các cựu chiến binh bị nhiễm độc chất.”
Cho đến nay, qua hàng trăm nghiên cứu khoa học và lâm sàng, người ta có thể kết luận rằng dioxin, một thành phần hóa học độc hại nhất của chất màu da cam, là nguyên nhân gây ra một số bệnh ung thư, ban clor, bệnh tiểu đường, một số dị tật bẩm sinh như chứng nứt đốt sống, và có tác hại đến hệ thống nội tiết và hệ thống miễn dịch.
Do đó, chiến dịch dùng hóa chất trong cuộc chiến Việt Nam có thể xem là một cuộc chiến tranh hóa học, bởi vì dioxin hay độc chất da cam là những hóa chất có khả năng gây tác hại đến con người và môi trường. Tháng Tư năm 2002, một cuộc hội thảo khoa học tại Đại học Yale, qui tụ nhiều nhà khoa học môi trường hàng đầu trên thế giới, họ xem xét và đánh giá những bằng chứng nghiên cứu khoa học mới nhất, và đi đến kết luận rằng Mỹ đã tiến hành một “cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong lịch sử nhân loại.”
Chiến dịch phi pháp?
Câu hỏi chiến dịch dùng độc chất trong chiến tranh có phải là phi pháp hay không có thể trả lời bằng những sự thật sau đây. Qui ước Hague (còn gọi là Hague Convention) năm 1907 cấm dùng “độc chất và vũ khí tẩm độc chất” trong các cuộc xung đột quân sự.
Nghị định Geneva năm 1925 đặt ngoài vòng pháp luật việc sử dụng bất cứ chất lỏng, vật liệu, hay công cụ nào chứa độc chất trong chiến tranh. Do đó, dựa vào nguyên lý của hai qui ước quốc tế này, hành động đầu độc cây cỏ, tiêu hủy mùa màng và hủy hoại môi sinh có thể xem là vi phạm công pháp quốc tế.
Nhưng lập trường của Mỹ, trước cũng như sau cuộc chiến Việt Nam, là Nghị định Geneva không áp dụng cho chất độc màu da cam, vì họ cho rằng độc chất da cam chỉ là “thuốc diệt cỏ”. Tuy nhiên, năm 1969, Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhóm họp và ra nghị quyết khẳng định rằng Nghị định Geneva năm 1925 áp dụng cho tất cả các loại vũ khí, kể cả vũ khí hóa học và độc chất màu da cam. Vì thế, có thể nói chiến dịch dùng dioxin trong chiến tranh là một vi phạm công pháp quốc tế. Có lẽ nhận thức được sự nghiêm trọng này, năm 1975 Tổng thống Gerald Ford kí sắc lệnh sô 11850 rằng Mỹ sẽ không là quốc gia đầu tiên dùng thuốc diệt cỏ trong chiến tranh.
Có thể nói chiến dịch dùng hóa chất ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất thế giới. Trong thời gian 10 năm đó, quân đội Mỹ và quân đội Nam Việt Nam đã rải 76,9 triệu lýt hóa chất xuống đồng ruộng Việt Nam. Trong số này có 64% là độc chất màu da cam, 27% là hóa chất màu trắng, 8,7% hóa chất màu xanh, và 0,6% hóa chất màu tím. Tất cả các hóa chất này đều có chứa dioxin, một độc chất nguy hiểm nhất mà con người biết đến. Tổng số lượng dioxin được xịt xuống Việt Nam khoảng 370 kílô. (Tưởng cần nói thêm là ở Ý, chỉ 20 kílô dioxin thải ra môi trường mà tác hại của nó kéo dài hơn 20 năm trời). Tổng số diện tích đất đai bị ảnh hưởng hóa chất là 2.63 triệu ha. Có gần 5 triệu người Việt Nam sống trong 25.585 thôn ấp chịu ảnh hưởng độc chất màu da cam.
Trách nhiệm?
Cho đến nay, có thể nói rằng vấn đề dioxin vẫn còn là một “di sản” lớn nhất sau cuộc chiến Việt Nam. Ấy thế mà mỗi khi Chính phủ Mỹ được yêu cầu nên có trách nhiệm trước tình trạng nhiễm dioxin ở Việt Nam, họ lại thoái thác bằng cách đòi hỏi bằng chứng. Thái độ đòi bằng chứng này thật khó hiểu, bởi vì trong thực tế Chính phủ Mỹ tuyên bố đồng ý bồi thường cho các cựu quân nhân từng tham chiến ở Việt Nam nếu họ bị ảnh hưởng dioxin. Bằng chứng về mối liên hệ giữa bệnh tật và dioxin được đúc kết từ nhiều nghiên cứu trên cựu quân nhân Mỹ và từ những người không dính dáng gì đến cuộc chiến Việt Nam. Nếu Mỹ chấp nhận những bằng chứng gián tiếp nhưng có cơ sở khoa học như thế thì hà cớ gì họ lại yêu cầu bằng chứng từ phía Việt Nam?
Tính đến nay, chất màu da cam và dioxin do Mỹ rải xuống Việt Nam đã qua một thời gian gần 40 năm. Sau hơn 10 năm, lượng dioxin còn tồn tại trong con người trên dưới 50%. Kết quả nghiên cứu trong giới cựu quân nhân Mỹ và ở Ý cho thấy người bị nhiễm dioxin chết sớm. Do đó, có thể nói rằng đã có nhiều nạn nhân người Việt chết trong thời gian dài đó có ít nhiều liên quan hay chịu ảnh hưởng chất màu da cam. Nói một cách khác, nhiều “đối tượng lý tưởng” nhất, hay nạn nhân trực tiếp của dioxin và chất độc màu da cam khả tín nhất không còn nữa. Những nạn nhân hay đối tượng còn sống ngày nay có thể chỉ là nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai.
Người Mỹ không nên phủi tay hay đòi hỏi “bằng chứng”, bởi vì như đề cập trên, có bằng chứng cho thấy trước khi xịt chất màu da cam xuống Việt Nam, họ đã biết được chất này là độc hại, nhưng vì lúc đó họ coi người Việt là kẻ thù nên họ không quan tâm gì đến mạng sống của người Việt. Đúng như Tiến sĩ Dwernynchuk (công ty Hartfield Consultants của Canada) nói rất rõ ràng rằng không cần phải có thêm nghiên cứu; vấn đề cần thiết trước mắt là xoa dịu và bảo vệ nạn nhân độc chất da cam.
Trong khoảng 10 năm qua, Chính phủ Mỹ tiêu ra hơn 350 triệu Mỹ kim để đi tìm những hài cốt lính Mỹ đã mất tích trong thời chiến ở Việt Nam. Còn nạn nhân độc chất da cam thì họ không màng đến, thậm chí còn tìm cách cố chối tránh vấn đề. Thực là một nghịch lý: Trong khi Chính phủ Mỹ tiêu tiền như nước để đi tìm những bóng ma, nhưng lại muốn sao lãng nạn nhân đang sống ngay trước mắt họ.
Công lý là bản chất của sự tồn tại của con người. Ngay cả những tên phạm tội ác chiến tranh kinh tởm nhất cũng là những người tin vào công lý khi họ đứng trước pháp đình biện minh cho việc làm của họ. Đồng bào Việt Nam đang chờ công lý từ phía những người tạo ra thảm nạn độc chất da cam trong cuộc chiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét