Poisondioxin

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Quái vật lộ mặt

Có lẽ di tích đau lòng nhất của chất độc da cam (CĐDC) có thể tìm thấy tại bệnh viện phụ sản ở Sài Gòn. Nơi đây có những bức tường với những chiếc bình thủy tinh xếp thành hàng, trong đó chứa những thai nhi bị sẩy và quái thai” – Hugh Warwick (cựu chiến binh Mỹ).
Những chứng bệnh bất thường
Các công ty hóa chất tiếp tục khăng khăng rằng chất khai quang (CKQ) nói chung và CĐDC nói riêng không hề ảnh hưởng nguy hại lên con người. Điều này bất chấp cuộc họp nội bộ của Dow năm 1965 và bất chấp cả những bằng chứng tại ngay các cơ sở sản xuất CĐDC: công nhân tại đây thường bị mắc những chứng bệnh bất thường!
Công ty Diamond Alkali ở Newark, bang New Jersey, là một trong những nhà sản xuất chính CĐDC cho quân đội Mỹ. Được các quan chức Lầu Năm Góc phỉnh phờ để đảm bảo kế hoạch sản xuất phục vụ các nỗ lực chiến tranh, các “công nhân yêu nước” của Diamond Alkali đã háo hức ngày đêm hoàn tất các quota.
Nhưng một số công nhân của Diamond Alkali bắt đầu phát lộ các triệu chứng được mô tả là “những căn bệnh gây đau đớn là làm biến dạng da” (theo vị bác sĩ đã điều trị cho hơn 50 công nhân tại đây từ đầu và giữa thập niên 1960). Bác sĩ Roger Brodkin, trưởng khoa da của Đại học Y – nha New Jersey, nói: “Họ (công nhân) đã nhận biết điều gì đang xảy ra, nhưng mọi người đều quyết làm đúng kế hoạch sản xuất. Tôi đã báo động cho các quan chức y tế của bang nhưng chỉ nhận được rất ít hồi âm. Họ đến, tham quan một vòng, nói “à, ừ” rồi chẳng có biện pháp nào được tiến hành cả”. Brodkin sau này đã phát hiện công nhân của Diamond Alkali bị rất nhiều chứng bệnh đa dạng. Ông nói: “Không chỉ có da mà có nhiều dấu hiệu gan của họ cũng bị hủy hoại”.
Đến tận năm 1983, chính quyền New Jersey mới xuống điều tra và lập tức sau đó thống đốc Thomas Kean đã buộc cư dân phải dời nhà cửa đi cách xa nhà máy ít nhất 300m.
Giải tội cho các công ty hóa chất
Mùa hè năm 1968, Hiệp hội Vì sự tiến bộ khoa học của Mỹ (AAAS) gửi một bức thư đến Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, thúc giục phải có những nghiên cứu về tác hại lên môi trường của việc phun CKQ tại VN. Bức thư này đã dẫn đến việc Ngoại trưởng Dean Rusk gọi điện thoại đến Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn ngày 26-8-1968, trong đó đề nghị công bố một phần các nghiên cứu “không nhạy cảm” về tác hại môi trường của CĐDC ở VN. Nghiên cứu này do tiến sĩ Fred H. Tschirley thực hiện đầu năm 1968. Tschirley đến VN dưới sự bảo trợ của Chính phủ Mỹ và đã trở về với một báo cáo chính xác như chính quyền Mỹ và các công ty hóa chất mong muốn.
“CKQ dùng ở VN chỉ có tác dụng độc hại khiêm tốn lên các loài động vật máu nóng – Tschirley viết trong báo cáo tháng 4-1968 – Vấn đề không đáng để tranh luận kéo dài, ngoại trừ đối với chất màu xanh (agent blue) có chứa arsenic”. Bất chấp lời than phiền từ công nhân các phòng thí nghiệm và công ty hóa chất, Tschirley viết: “Không có bằng chứng!”.
Và Rusk đã thúc giục Tschirley công bố bản báo cáo giả dối này!
Tiếp tục rải CĐDC ở VN
Trong khi vấn đề tác hại của CĐDC và dioxin đang nóng lên trong giới khoa học, không quân Mỹ tiếp tục rải thảm CKQ ở VN. Lính bộ binh Mỹ không hay biết gì cả, vẫn tiếp tục ăn uống, tắm rửa, hít thở và ngủ nghê dưới những làn hơi độc. Một số lính đã dùng thùng màu da cam chứa CKQ để nướng thịt, số khác dùng để đựng dưa hấu và khoai tây, số khác nữa dùng để tắm gội.
Cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ Danny Gene Jordan kể ông ta đang ngồi trên đồi 549 gần Khe Sanh vào mùa xuân 1968 thì năm chiếc C-123 bay qua và thả CKQ xuống làm ướt đẫm quần áo và thực phẩm của ông và nhiều đồng đội khác. Hai tuần sau, các binh sĩ trong đơn vị của Jordan đã mắc các chứng nôn mửa và tiêu chảy. Jordan trở về Mỹ với một tỉ lệ dioxin cao bất thường trong cơ thể. Ông đã sinh ra hai đứa con, và cả hai đều bị dị tật.
Việc phun CKQ vẫn tiếp diễn không hề giảm cho dù các báo cáo quân sự tỏ ý không hài lòng vì “tác dụng rất ít lên đối phương”. CĐDC tiếp tục được sử dụng rộng rãi ở VN đến hết năm 1969.
Bằng chứng phi nhân tính
Cuối năm 1969, một nghiên cứu thực hiện bởi các phòng thí nghiệm sinh học ở Mỹ đã đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng chất dioxin gây tử vong và sinh non ở động vật. Các thí nghiệm này đã cho thấy chỉ một lượng rất nhỏ dioxin trong máu cũng đủ để gây gây tử vong và sinh đẻ không bình thường. Thế mà một số lính Mỹ trở về từ VN mang theo trong máu chất dioxin cao gấp 30 lần. Tỉ lệ này chắc chắn cao hơn nhiều ở những người Việt sống hoặc chiến đấu ở những khu vực bị rải thảm CĐDC.
Sau khi Cơ quan Lương thực và dược phẩm Mỹ (FDA) tung ra báo cáo này, ngày 29-10-1969 Nhà Trắng đã ra lệnh cắt giảm một phần việc sử dụng CĐDC ở VN.
Ngày 4-11-1969, một bức điện đã được gửi từ Bộ tổng tư lệnh tham mưu liên quân Thái Bình Dương (CINCPAC) đến Bộ chỉ huy hỗ trợ tác chiến ở VN (MACV), trong đó ghi rõ: “Một báo cáo của Viện Sức khỏe quốc gia đã trình ra các bằng chứng rằng chất 2,4,4-T (trong CĐDC) có thể gây biến dạng khi sinh và sinh non ở chuột… Các chiến dịch khai quang ở VN sử dụng chất này sẽ chỉ được diễn ra ở các vùng xa khu dân cư. Việc sử dụng các CKQ trắng và xanh vẫn diễn ra như bình thường…”.
Những cựu binh khởi kiện
Bất chấp lệnh này, một số đơn vị Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng bừa bãi CĐDC những khi họ cạn kiệt các hóa chất khai quang khác. Phải đợi đến ngày 30-6-1971, Mỹ mới chấm dứt các chiến dịch phun CĐDC ở VN.
Nhưng tác hại của CĐDC lại không bao giờ kết thúc. Ở Mỹ, các cựu chiến binh trở về từ VN đã bắt đầu thể hiện nhiều triệu chứng sức khỏe bất thường. Nhiều người mắc các chứng bệnh về da và gan. Một số lượng cao bất thường các cựu chiến binh bị mắc bệnh ung thư, bệnh phổi và bao tử. Một số lượng cao bất thường cựu chiến binh có vợ bị sẩy thai, và một số đã sinh con dị tật. Thế nhưng các nhà khoa học và chính quyền Mỹ vẫn cả quyết không có sự liên quan nào giữa các bệnh này và CĐDC. Năm 1982, các cựu chiến binh đã phát đơn kiện các công ty hóa chất gồm Dow Chemical, Monsanto, Diamond Shamrock, Hercules, Uniroyal, Thompson Chemical, T.H. Agriculture & Nutrition.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét