Poisondioxin

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Thung lũng da cam – Bài 1: Vùng đất trắng

Tưởng đâu quá khứ đã lùi xa sau hơn bốn thập niên. Trở lại A Lưới (Thừa Thiên- Huế), vùng đất bị rải thảm chất diệt cỏ những năm 1960-1970, phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM lại được nghe những câu chuyện chưa bao giờ cũ về sự tật nguyền, đói nghèo, ly tán… từ chất độc dioxin.
Số người nhiễm dioxin ở A Lưới (Thừa Thiên-Huế) bằng dân số hai xã gộp lại.

Theo chân ông Hồ Văn Nhật, một cư dân bản địa, chúng tôi vào thung lũng da cam Đông Sơn sau khi vượt gần 100 km từ Huế. Đường vào Đông Sơn bằng phẳng nhưng chỉ lưa thưa vài mái nhà, thi thoảng ta bắt gặp những gian nhà bỏ hoang đã đổ nát khi chủ của nó trốn chạy trong cuộc đào thoát khỏi thung lũng da cam nhiều năm trước.

Ông Nhật bảo trước kia khu vực này dân ở nhiều nhưng sau một thời gian có nhiều người mắc bệnh ung thư, bệnh gan…, con cái sinh ra là bị dị tật nên họ sợ mới di tản vào ở tận chân núi. Càng vào sâu, dấu tích về cuộc chiến ác liệt càng hiện ra. Hàng ngàn hố bom chi chít và những khoảng ruộng chết cháy, khô khốc đua nhau dẫn lối vào Đông Sơn.

Cây khỏi mọc

Người dân tộc Tà Ôi gọi vùng đất này là patang, có nghĩa là đất trắng – vùng không có cây cối. Mấy mươi năm sau chiến tranh, cánh đồng Đông Sơn vẫn không có một thứ cây gì sống nổi. Lúa lè tè, còi cọc, bắp chỉ có cùi mà không có hạt… Và tuyệt nhiên không có nổi một bóng cây, cả đám cây kiền kiền hoang dại cũng chết cháy…

Đại uý Đào Đức Cửu, cán bộ Trạm biên phòng cửa khẩu A Đớt, đóng tại xã Đông Sơn cho biết ở đây, hàm lượng dioxin trong đất còn quá lớn nên không một cây gì có thể mọc được. Mười năm qua, dù đã có rất nhiều cuộc “đào thoát” khỏi thung lũng da cam, Đông Sơn vẫn còn đến 43 trường hợp nhiễm chất độc da cam nhận chế độ trợ cấp của nhà nước. (Lãnh đạo xã thì dè dặt bảo rằng con số thực tế cao gấp nhiều lần!)

Ở vùng đất trắng này, tất cả vật dụng sinh hoạt đều được mang từ ngoài vào. Khó nhất là nước vì nước giếng không thể sử dụng được. “Người mắc các bệnh tâm thần, ung thư, gan, phổi… nhiều lắm. Bao nhiêu người đã chết vì chất độc da cam cũng không thể thống kê được” – đại uý Cửu bùi ngùi.

Rộng ra toàn huyện A Lưới, con số thống kê của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện khiến chúng tôi hãi hùng: 4.700 người bị nghi nhiễm chất độc dioxin, bằng với dân số của hai xã cộng lại. Trong khi đó, dân số của toàn huyện chỉ mới xấp xỉ con số 40.000 người.

Đây là ngôi trường còn sót lại sau “cuộc chạy trốn chất độc da cam”.

Bỏ xứ ra đi

Những cuộc ly tán của người Đông Sơn diễn ra chỉ chưa đầy mười năm sau ngày cắm dùi định cư. Năm 1991, một dự án đưa dân từ xã Hồng Thuỷ lên Đông Sơn tái định cư. Do người quy hoạch không am tường về vùng đất này nên đã vô tình đưa người dân về sống ngay trên sân bay quân sự, vùng đất nhiễm chất độc gấp 26 lần mức độ cho phép. Sống được một thời gian thì nhiều người phát bệnh lạ như ung thư, viên phổi, vô sinh…. Nhiều phụ nữ mang bầu thì sinh non, trẻ con sinh ra thì bị què quặt nên người dân lần lượt bỏ làng ra đi. “Hồi đó, bà con vắt sức trên đồng quanh năm suốt tháng nhưng vẫn cứ nghèo. Đất đai thì cằn cỗi, chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn. Trồng cây chi cũng không lớn được” – ông Đinh Văn Tự, một người dân ở Đông Sơn ngao ngán.

Đến năm 1999, sự tác động ghê gớm của chất độc da cam đã buộc huyện A Lưới phải di dời toàn bộ người dân trong vùng nguy hiểm lên khu tái định cư mới. Những người bỏ Đông Sơn ra đi, giờ đây nhắc lại câu chuyện về những cái chết oan nghiệt của chất độc da cam họ không thể cầm được nước mắt. Với những người đã bỏ xứ, thời gian sống ngay trên thung lũng da cam này là một hoài niệm buồn. Anh Hồ Văn Thanh, một người dân Đông Sơn ngậm ngùi: “Tài sản thì nỏ nói mần chi. Không biết bao nhiêu cha mẹ đã mất con. Bao nhiêu người con phải nuốt nước mắt khi cha mẹ mình quằn quại đau đớn vì dính căn bệnh hiểm nghèo do ảnh hưởng chất độc dioxin.”

Nhưng Đông Sơn chưa phải là vùng đất cá biệt ở A Lưới, đi sâu vào thung lũng da cam, dọc theo bờ sông A Sáp, A Đớt, A Ngo, Hương Lâm.. đã có hàng ngàn người ngã quay vì chất độc da cam. Đó là nơi mà dòng A Sáp được ví dòng sông “trắng”, bởi bốn mươi năm trước Mỹ đã rải xuống đây một lượng chất độc cực lớn.

Dấu tích hàng trăm hố bom hằn trên cánh đồng Đông Sơn

Asho-dioxin

Câu chuyện buồn của người A Lưới bắt đầu từ chiến dịch Ranch Hand (1961-1971), khi quân đội Mỹ đã rải xuống đây một lượng lớn chất độc hoá học, trong đó có trên 300 phi vụ rải gần 500.000 gallon chất diệt cỏ. Ở khu vực sân bay Asho, môi trường sinh thái bị huỷ diệt nặng nề với nồng độ trên 70 gallon/km2. Ở đó, chúng tôi đã bắt gặp những dòng chữ cảnh báo trên tấm biển ngay lối vào từ kết quả nghiên cứu (1994-2000) của UB 10-80 và Hatfield Consultants Canada: “Khu vực trung tâm sân bay Asho dư lượng dioxin không chỉ tồn tại trên người, trong đất đai mà ngay cả gà, vịt, cá… cũng cao gấp nhiều lần mức cho phép…”.

Gần bốn mươi năm sau chiến dịch rải thảm dioxin ấy, sân bay Asho vẫn được chia làm ba khu vực A, B, C tuỳ theo mức độ nhiễm dioxin. Trong đó, khu A rộng 1,65 ha là khu vực đặc biệt nguy hiểm. Người hay động vật xâm nhập mà không có biện pháp bảo hộ sẽ bị chất độc ngấm rất nhanh, có thể bị ngã quay ngay tức khắc.

Không chỉ với Việt Nam, Asho còn được xem là điểm “nóng” nhất “chứa” chất độc huỷ diệt dioxin của cả thế giới. Trong chiến tranh, Mỹ đã xếp A Lưới là vùng DMZ (vùng phi quân sự – Demilitarized Zone). Mặt khác, đây cũng là hành lang của đoàn vận tải 559 bộ đội Trường Sơn nên máy bay Mỹ ra sức tập trung rải chất khai quang để tìm bộ đội và chặn những chuyến hàng tiếp tế từ Bắc vào Nam.

Tổ chức Hatfield còn khuyến cáo, số người bị nhiễm chất độc da cam ở A Lưới không chỉ dừng lại ở con số 4.700 như báo cáo. Khu vực sân bay Asho và khắp vùng A Lưới vẫn còn đó hàng ngàn thùng hoá chất chưa bị “bóc tem” kể từ khi quân Mỹ tháo chạy khỏi nơi đây.

Ở A Lưới, chất độc dioxin còn nhiều đến nỗi người ta chấp nhận nó như một phần của cuộc sống thường nhật.

Chiến dịch Ranch Hand được Tổng thống Kennedy ký lệnh ngày 30-11-1961. Ngày 12-1-1962, nó bắt đầu được tiến hành với những chuyến bay C-47 rải thử nghiệm chất diệt cỏ vùng tây bắc Sài Gòn, sau đó là duyên hải Cà Mau và Gò Công. Chiến dịch kéo dài mười năm, kết thúc vào ngày 7-1-1971 với ba chuyến bay rải chất diệt cỏ cuối cùng tại địa bàn Ninh Thuận.

Chỉ cần một phần triệu gam dioxin/kg cơ thể là con người và động vật sẽ bị đột tử, một phần tỷ gam dioxin/kg cơ thể đủ gây ung thư, dị tật, quái thai… Tuy nhiên trong chiến dịch Ranch Hand, quân đội Mỹ đã rải xuống 72 triệu lít thuốc diệt cỏ (chứa 170 kg dioxin), trong đó riêng A Lưới là 432.812 lít (chứa 11 kg dioxin).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét