Poisondioxin

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Bóng ma cuối cùng của cuộc chiến(*): Nỗi đau da cam và sự đồng cảm

Bộ phim tài liệu Bóng ma cuối cùng của cuộc chiến , dài 57 phút, vừa được phát sóng lần đầu tiên trên kênh VTV1 đã làm xúc động nhiều người Việt Nam khi tìm thấy điểm xuất phát trung thực, đồng cảm của người dân Mỹ, trong cuộc đồng hành tìm chân lý cho nạn nhân Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam.

Di hoạ chiến tranh
Trước đây, nói về bộ phim Bóng ma cuối cùng của cuộc chiến, báo Newsday của Mỹ đã nêu: “Đây là một cuốn phim cần phải xem, một chất xúc tác cho các cuộc thảo luận về chất da cam…”. Phim bắt đầu từ cuộc đời và số phận của gia đình những cựu chiến binh và thanh niên xung phong Việt Nam, từng có mặt trên những vùng đất bị phi công Mỹ rải thuốc diệt cỏ, khai quang. Nào ai ngờ, loại “thuốc diệt cỏ” có tên dioxin được chứa trong các thùng có ký hiệu da cam, là sát thủ âm thầm gây tác hại cho các nạn nhân đã xuất hiện di truyền qua ba thế hệ!
Cảm nhận chân thực, các nhà làm phim đã lặn lội ra miền Bắc, vào miền Trung, miền Nam ghi nhận những hình ảnh về nỗi bất hạnh, đớn đau vây quanh hàng ngàn con người, trong đó có gia đình ông Nguyễn Văn Quý, bà Phạm Thị Hội, bà Trần Thị Nhân, ông Trần Văn Tấn, bà Nguyễn Thị Hồng, những đứa trẻ làng Hoà Bình, Bệnh viện Từ Dũ…
Qua những công trình nghiên cứu về nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam của bác sĩ Phan Thị Phi Phi, Nguyễn Việt Nhân, Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã cho thấy biết bao sự tác hại và di hoạ dai dẳng của chất dioxin.
Một sự thật không ai có thể phủ nhận được, chính người bị nhiễm trực tiếp hay gián tiếp dioxin, đã bị đột biến gien, ung thư, vô sinh, tiểu đường loại 2… Như vậy, liệu chất độc da cam dưới hình thức thuốc diệt cỏ 2,4-D và 2,4,5-T có che đậy nổi tên gọi vũ khí hoá học, khi được sử dụng rải hàng chục triệu lít từ những máy bay vận tải cỡ lớn C123 phả trên những cánh rừng Việt Nam vào những năm 1962-1971? Các nhà làm phim tiếp tục nêu vấn đề: với chiến dịch rải thuốc diệt cỏ được gọi là “bảo vệ sự an toàn cho quân đội miền Nam và quân đội Mỹ”, nhưng trong thực tế, hàng triệu người Việt Nam đã phải gánh chịu di hoạ nặng nề từ chất dioxin! Một điều lẽ ra, các nhà sản xuất hoá chất phải lường trước hậu quả độc hại vô nhân đạo của nó, hơn bất kỳ ai hết!
Nỗi đau dai dẳng
Tác hại của chất độc dioxin đã được phát hiện từ bao giờ? Một lần nữa, các nhà làm phim đã lật lại hồ sơ tìm hiểu sự có mặt của hoá chất này. Chất độc hại và những ảnh hưởng của nó đã được cảnh báo từ thập niên 50 trên đất Mỹ, qua nhận xét của một số bác sĩ chuyên khoa y tế cộng đồng và ông Stuart Calwell, luật sư cho các công nhân về hưu của Công ty Hoá chất Monsanto, ở thị trấn Nitro.
Thế nhưng, về sau này, các công ty hoá chất chỉ vì lợi nhuận vẫn tiếp tục sản xuất dioxin, đưa sang Việt Nam với khối lượng lớn. Sau chiến tranh Việt Nam, nhiều cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở vùng đất bị nhiễm chất độc da cam, hay ngay cả những phi công làm nhiệm vụ “rải thuốc diệt cỏ”, cũng bị ảnh hưởng gián tiếp.
Ông Michael Ryan, một cựu chiến binh Mỹ có con gái bị dị tật, đã bày tỏ nỗi ưu tư khi nhiều lúc chỉ còn một mình ông cùng đứa con gái tội nghiệp phải đối mặt với nỗi bất hạnh sau chiến tranh. Và, cũng chẳng riêng hoàn cảnh của ông, không ít cựu chiến binh Mỹ đã bị rơi vào tình trạng có triệu chứng bệnh do nhiễm chất độc da cam.
Các cựu chiến binh Mỹ, sau khi đệ đơn kiện các nhà sản xuất hoá chất về di hoạ chất độc da cam, đã được thương lượng thành công. Thế nhưng, năm 2006, vụ kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam lại bị Toà phúc thẩm Brooklyn bác đơn! Bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc này, các nhà làm phim đã ghi nhận hình ảnh hội nghị thảo luận về nạn nhân chất độc da cam ở Paris; ý kiến phản ứng của các luật sư, bác sĩ, các tổ chức hoạt động xã hội Mỹ, Anh, Pháp… Hầu như tất cả mọi người đều ủng hộ những nạn nhân Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam tiếp tục kháng án lên Toà án tối cao của Mỹ.
Tiếp tục tìm công lý cho Việt Nam
Đi tìm công lý cho Việt Nam, không có gì thiết thực hơn, các nhà làm phim đã mang Bóng ma cuối cùng của cuộc chiến trình chiếu ở nhiều trường đại học trên nước Mỹ. Bà Janet Gardner, nhà sản xuất và đồng đạo diễn, có lần đã bày tỏ cảm xúc khi trả lời với phóng viên TTXVN tại New York (xin phép trích lại): “Chúng tôi hy vọng phim sẽ tự nó nói lên tất cả… Chúng tôi muốn đưa lên câu hỏi: Ai phải là người chịu trách nhiệm về việc này? Và chúng tôi muốn khán giả sẽ nghĩ về câu hỏi đó. Trong các buổi chiếu phim trước đây, một số khán giả Mỹ đã thể hiện thiện cảm với người Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì công lý. Nhiều người cảm thấy Chính phủ và các công ty hoá chất Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc này…”.
Lời cảnh báo về di hoạ chất độc dioxin và kêu gọi mọi người, vì công lý dành cho nạn nhân Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam, cũng là thông điệp đầy tình người của bộ phim Bóng ma cuối cùng của cuộc chiến.
(*) Kịch bản: Kevin Cline; sản xuất và đồng đạo diễn: Janet Gardner, Phạm Quốc Thái; sản xuất 2004-2006.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét