Poisondioxin

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Dioxin – nỗi đau chưa ngưng…

Thuốc thang của Nguyễn Lê Phương Quỳnh trông cậy nhiều vào gánh chè của bà ngoại Trần Thị Mãnh
Chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm, nhưng “nỗi đau da cam” và nguy cơ nhiễm chất độc dioxin vẫn còn đeo bám dai dẳng những số phận, những mảnh đời đang sống ở các khu quân sự cũ của thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai (khu vực được đánh giá là có độ tồn dư cao của dioxin). Trong 26 phường xã của thành phố Biên Hoà, có đến 67 trường hợp bị nhiễm chất dộc dioxin mà tập trung cao nhất là phường Trung Dũng.

Những “mảnh vỡ” của cuộc đời
Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến địa chỉ 202/25 khu phố 5, phường Trung Dũng. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi đó là tiếng la hét và đồ đạc trong nhà bị vứt lung tung, mà nguyên nhân chính gây cảnh tượng này là do cơn động kinh của Nguyễn Lê Phương Quỳnh – con chị Lê Thị Thu Lan.
Đó là một căn nhà nhỏ khoảng 16m2 nằm phía sau ngôi nhà của cụ bà Trần Thị Mãnh – mẹ ruột mà cũng là người đang “cưu mang” gia đình chị Lan. Quỳnh năm nay 19 tuổi nhưng nhìn chẳng khác nào một đứa trẻ lên 10 và không phân biệt được điều gì cả.
Cơn động kinh qua đi, thấy con mình đã hiền lành như một đứa trẻ, chị Lan ngậm ngùi kể lại: “Lúc mới sinh ra nó là đứa trẻ bụ bẫm, vậy mà khi đổ bệnh trở nên còi cọc đáng thương, với những cơn động kinh liên miên như thế này đây…”.
19 năm trôi qua chị không lúc nào dám rời con nửa bước, tất cả tài sản trong nhà đều lần lượt ra đi để đổi lấy thuốc men cho con. Thế nhưng tất cả đều vô vọng trước căn bệnh mang tên “chất độc da cam”.
Ba năm sau khi sinh Quỳnh, gia đình chị lại phải gánh thêm nỗi đau lần thứ hai khi đứa con trai Nguyễn Lê Hoàng Văn cũng bị bệnh và câm điếc từ nhỏ.
Nhìn Quỳnh không đứng vững, không tự ăn uống được, nói năng ú ớ, chỉ giương đôi mắt vô cảm nhìn mọi người, anh Hiệp – chồng chị Lan – xót xa: “Đồng lương thợ hồ của tui không đủ nuôi gia đình chứ nói chi là chuyện chạy chữa thuốc men, nếu không có gánh chè của ngoại, hai đứa trẻ không biết ra sao nữa…”.
Còn đối với Văn, tuy có khả năng tự chăm sóc bản thân được nhưng em phải sống trong sự câm điếc hoàn toàn. Hiện em đang theo học cách ra hiệu dấu tay để giao tiếp. Nhìn những ký hiệu tượng hình và nét vẽ nguệch ngoạc khi em nói chuyện với chúng tôi, tôi mới hiểu em khát khao giao tiếp, tìm hiểu thế giới bên ngoài biết nhường nào…
Cùng khu phố với chị Lan, số nhà 202/11, gia đình chị Hồng Thi Lệ cũng gánh chịu nỗi đau da cam này. Đứa con gái 18 tuổi Nguyễn Hồng Thảo Nguyên chưa một ngày tỉnh táo, lúc nào Nguyên cũng ngẩn ngơ, ngọng nghịu cười nói một mình.
Nói về căn bệnh của Nguyên, chị ngậm ngùi: “Bác sĩ bảo nó bị phôi tim yếu và tinh thần không ổn định do ảnh hưởng của chất độc dioxin…”.
Cũng từ đó gia đình chị ly tan, người chồng chán nản, bất mãn đã thường xuyên say xỉn đập phá, không còn cách nào khác chị phải làm đơn ly hôn và một mình nuôi hai đứa trẻ. Đồng lương công nhân của chị cũng chỉ đủ chạy thuốc cho đứa con gái của mình mỗi khi lên cơn trở chứng.
“Những mảnh vỡ” không dừng lại ở đó, trường hợp đau lòng hơn là gia đình anh Nguyễn Văn Bạt, ở khu phố 3, phường Trung Dũng. Vợ anh 9 lần mang thai nhưng 5 lần đều sẩy, đến khi đứa con đầu tiên chào đời thì bị bại não vì nhiễm chất độc dioxin…
Trên địa bàn phường còn có 20 trường hợp khác cũng bị nhiễm chất độc dioxin, tất cả đều là dân nghèo, phải vầt vả bươn chải để duy trì một mầm sống đã được sinh ra.
Cần có một “vành đai”
Vòng quanh trong khu vực gần sân bay Biên Hoà, các chợ Biên Hùng, Kỷ Niệm, A42 vẫn hoạt động nhộn nhịp. Thế nhưng, theo mẫu phân tích xét nghiệm gần đây nhất thì lượng dioxin có trong các thực phẩm gà, vịt, ngan, cá lóc, cá trê, cá chép… ở các chợ khu vực này cao hơn mức độ cho phép.
Sở dĩ nồng độ dioxin ở đây cao vì sân bay Biên Hoà là nơi quân đội Mỹ cất giữ dioxin với khối lượng rất lớn để tấn công Việt Nam trong chiến tranh.
Chị Nguyễn Thị Thu Nhàn trên đường Trần Hưng Đạo, khu phố 4, phường Trung Dũng bỡ ngỡ khi chúng tôi nói những thức ăn chị mua từ chợ Kỷ Niệm về có nguy cơ nhiễm dioxin rất cao, chị nói: “Làm sao biết cái nào nhiễm, cái nào không, mà tui sống gần 30 năm ở đây rồi có sao đâu”.
Còn những người dân sống trên đường Trịnh Hoài Đức, chợ đêm Biên Hùng, thì phớt lờ những tác hại và nguy hiểm khi phải đối mặt thường xuyên với nguy cơ nhiễm dioxin. Cô Nguyễn Hồng Tươi, một người dân sống gần chợ đêm Biên Hùng nói: “Tui cũng nghe nói khu vực này nhiễm chất độc dioxin, nhưng không buôn bán mưu sinh thì lấy cái gì để sống qua ngày…”.
Theo bác sĩ Nguyễn Đăng Khôi, Bệnh viện Nhân dân Gia Định thì: Chất dioxin gây nên các loại bệnh thầm kín, đột phá cơ thể từ từ, sau đó sẽ làm tổn hại đến các cơ quan như gan, phổi, tuỷ sống, rối loạn hệ thần kinh, suy giảm nhận thức, biến đổi gien… Đồng thời người đã bị nhiễm sẽ có tính di truyền và có khả năng tác động đến những thế hệ sau.
Rất cần thiết về việc có một vành đai ngăn cách khu vực bị nhiễm nặng với khu dân cư, có như vậy cuộc sống của người dân mới không bị đặt vào ranh giới rất mong manh của sự sống và cái chết…
Hiện nay,Bộ Quốc phòng đang tiến hành xử lý các khu đất bị ô nhiễm tại sân bay Biên Hoà với số tiền khoảng 75 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của Chính phủ. Khoảng 60.000m3 đất bị nhiễm dioxin sẽ được chôn lấp bằng bê tông và bentonite, các vật liệu cách ly và hấp phụ dioxin. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét