Poisondioxin

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Sự đồng cảm có màu… da cam

(TTTM) – Tôi là một đứa trẻ may mắn của thời bình, không từng biết đến bom đạn và chiến tranh. Tôi những tưởng chiến tranh qua đi đã mấy mươi mùa, nỗi đau đã vợi bớt.
82 triệu lít hoá chất rải ở Việt Nam trong chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của hàng vạn đứa trẻ và hàng chục vạn đứa trẻ tật nguyền
Nhưng không, chỉ có những hận thù đã vợi nhưng vẫn còn đó những nỗi đau da cam của những người lính hy sinh xương máu vì Tổ quốc của những người dân thường và cả những người lính phía bên kia. Thời gian trôi qua hy vọng sẽ xoá nhoà tất cả để những người có quá khứ lầm lội đã nhận ra đâu là chân lý và lẽ phải.

Ánh sáng từ bóng tối khổ đau
Quảng Trị mùa này nóng như chan lửa. Chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Hữu Đông. Căn nhà tình thương ấy ở thôn Kim Đâu 2, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Trước căn nhà nhỏ nép mình dưới nắng gắt, hai cô gái trẻ dường như không có đôi chân ngồi cười lơ ngơ trước cổng. Phía sau, bà già đang cặm cụi nhặt nhạnh đống dây nhựa phế thải. Không gian vắng tịch tiếng người. Chỉ có đàn ruồi nhặng bay o o trong cơn nóng hầm hập và con chó rạc đi hoang…
Chủ nhân của căn nhà là ông Đông, trước đây vốn là một trung tá Nguỵ. Nhưng điều đó đến giờ không là điều quá nặng nề. Điều oái oăm là gia tài còn lại của ông lại là hai người con gái bị ảnh hưởng nặng nề chất độc màu da cam. Hai người con của ông là em Lê Thị Hoài Nhơn (35 tuổi) và Lê Thị Hoa (25 tuổi) chỉ cao nhỉnh hơn vại nước. Vậy là trong nhà ông Đông có 4 miệng ăn nhưng có tới 2 đôi chân không đi lại được… Thương nhất là 2 cô gái trẻ bị dị tật ở chân.
Nắm chặt tay Đại tá Lê Kim Thơ, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Quảng Trị – người lính phía bên kia không giấu nổi xúc động. Hoá ra Đại tá Lê Kim Thơ và ông Lê Hữu Đông từng có một thời gian tham chiến trên cùng một chiến trường Khe Sanh. Dù hai người ở hai chiến tuyến.
Chiến tranh qua đi đã mấy mươi mùa, thời gian trôi qua xoá nhoà tất cả để những người có quá khứ lầm lỗi đã nhận ra đâu là chân lý và lẽ phải. Cùng đồng cảm với một nỗi đau da cam đã khiến 2 người đàn ông ở hai giới tuyến như xích lại gần hơn nữa. Nhắc lại câu chuyện ngày 2/3 vừa qua toà án Mỹ bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Nhắc lại phán quyết ngày vô lương tâm này, ông Đông xúc động trong giây lát rồi nói như quát: “Tui phản đối điều đó. Tui chống Mỹ đến cùng dù trước đây tui theo họ và là người của họ. Chất độc da cam như thế nào thì mời người Mỹ hãy đến nhà tui mà chứng kiến!”.
Sự đồng cảm có màu... da cam
Đại tá Lê Kim Thơ và ông Lê Hữu Đông trong buổi hội ngộ đặc biệt
Tôi chỉ là một đứa trẻ may mắn của thời bình. Tôi là lớp hậu thế không từng biết đến bom đạn và chiến tranh. Nhưng tôi cảm nhận được một điều, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Cựu trung tá Nguỵ cũng là một người con dân đất Việt.
Thế nên bấy lâu, trong ngôi nhà khang trang của bác Đông – được xây lên từ những người bạn Nhật Bản ủng hộ nạn nhân da cam/Dioxin Quảng Trị – luôn đầy ắp tiếng cười. Cũng như tôi – hai chị em Lê Thị Hoài Nhơn và Lê Thị Hoa – những đứa trẻ thời bình không còn phải thẹn thùng nép sau liếp nhìn ra cửa mỗi khi có người lạ. Họ cũng đã vui vẻ, thoả mãn với khung trời riêng là cửa hàng tạp hoá nho nhỏ mà bác Đông đã mở ra ngay tại nhà.
Và nhìn cái cách đối thoại giữa hai người lính năm xưa ấy, tôi hiểu, thời gian đã xoa dịu tất cả dù cho đó là hận thù, là khổ đau. Họ đang hướng tới những gì cao đẹp nhất vì tương lai của những đứa con của mình. Sự đồng cảm này âu cũng là cách để đánh thức bao trái tim còn u mê, lạc lối.
Và Jutin Maxson, người thanh niên Mỹ tôi chưa từng gặp
Khi tôi đến nhà, anh Đoàn Triệu Sơn (khu phố 9, phường 12 được cả thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) người con tật nguyền mang trong mình di chứng chất độc màu da cam nằm trên giường, nhìn tôi mỉm cười. Tôi đáp lại cũng bằng một nụ cười. Tuy nhiên, cho đến lúc về, vẫn dáng nằm bất động và nụ cười trên môi người thanh niên ấy vẫn không tắt. Người cha cho biết anh đã cười như thế suốt 26 năm.
Sự đồng cảm có màu... da cam
Jutin Maxson và gia đình anh Đoàn Triệu Sơn
Nhưng có lẽ điều mà người dân nơi đây nhắc đến nhiều hơn là hình ảnh phóng viên trẻ người Mỹ 26 tuổi, Jutin Maxson. Sang Việt Nam với nhiệm vụ tìm hiểu cuộc sống của những nạn nhân da cam /Dioxin để giúp trong vụ kiện, Jutin Maxson đã chọn người người bạn cùng trang lứa Đoàn Thiệu Sơn, con của bác Đoàn Ngọc Hùng một dân thường bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh – là nhân vật cho những thước phim tài liệu của mình.
Đến đây, Maxson muốn được thấy tận mắt, sờ tận tay những di chứng của chiến tranh hoá học mà người Mỹ đã gây ra cho Việt Nam. Anh thuê nhà ở gần đó rồi ngày ngày dạy từ sớm đem theo máy ảnh, máy quay phim cuốn sổ sang nhà Sơn đến tối mịt khi bạn ngủ mới lặng lẽ về nhà trọ.
Những hình ảnh về khuôn mặt biến dạng, tay chân cong vẹo của Sơn… đã khiến Maxson thấu hiểu được những nỗi đau mà người Việt Nam đang phải gánh chịu. Anh đã từng thốt lên với Đoàn Ngọc Hùng bố của Sơn: “Lâu nay, chúng tôi biết đến nạn nhân chất độc da cam Việt Nam qua hình ảnh, nhưng đến đây, tôi chứng kiến nỗi đau mà nạn nhân cũng như gia đình đang gánh chịu thật khủng khiếp…”.
Ngày về nước, cuối năm 2008 Maxson đã gửi rất nhiều bức ảnh anh chụp chung với gia đình bác Hùng kèm theo một bức thư với nội dung để cảm ơn những tháng ngày sống ở Việt Nam đồng thời hứa sẽ sẵn lòng giúp đỡ người bạn cùng trang lứa.
Không chỉ có Jutin Maxson mà còn nhiều người Mỹ chân chính khác cũng đến để cảm nhận, chia xẻ với những nạn của chất độc màu da cam.
Như nhà báo Adam Nadel, sau một thời gian chứng kiến, những câu chuyện xúc động cũng như hình ảnh về nạn nhân chất độc màu da cam – chị Nguyễn Thị Hiền 39 tuổi trú tại khu 4, phường Đông Giang, Đông Hà – cũng đã được cả thế giới biết đến và xẻ chia. Những bức ảnh của anh về nạn nhân da cam sẽ được triển lãm trước dư luận Mỹ nhằm ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam.
Sự đồng cảm có màu... da cam
40 tuổi, Nguyễn Thị Hiền vẫn như một đứa trẻ
40 năm trước đây, bà Hoàng Thị Lý (mẹ đẻ Nguyễn Thị Hiền) trong một lần đi lấy củi tại cánh rừng bắc đường 71 huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã bị “tắm” bởi thứ chất sương mờ được thả xuống từ máy bay của Mỹ. Bà được đưa Hà Nội để cứu chữa và cũng ở đây, con gái bà là chị Nguyễn Thị Hiền ra đời.
Nhưng rồi đến 10 tháng tuổi, cục cưng của bà vẫn cứ nắm ngửa, chẳng hề biết lật biết trườn. Ngỡ con yếu xương, vợ chồng bà đã luôn chân chạy thuốc chạy thầy cho con. Một năm rồi hai năm, ba năm, mặc thuốc mặc thầy, đứa trẻ vẫn cứ nằm ngửa nhìn lên với đôi mắt vô hồn, miệng luôn ú ớ những âm thanh kỳ dị. Vậy mà đã 40 trôi qua. Câu chuyện giữa bà mẹ khốn khổ và chúng tôi luôn bị những tiếng kêu ré thất thanh của đứa trẻ… bốn mươi tuổi che lấp.
Người mẹ khốn khổ Hoàng Thị Lý năm nay đã 79 tuổi. Vậy mà đã có 40 năm bà buộc mình bên giường bệnh chăm sóc đứa con tật nguyền. Cuộc chiến tranh đã đi qua nhưng họ chưa có phút bình yên. “Tui chỉ sợ đến ngày tôi có mệnh hệ gì thì biết lấy ai chăm lo cho con tui”.
Kể tới đây, bà không thể ghìm nổi nữa, bật khóc nức nở thành tiếng. Bóng tối bao trùm căn nhà quạnh quẽ. Tiếng khóc nuốt vào lòng nghèn nghẹn… Đứa trẻ 40 tuổi cứ ngồi cúi mặt lơ ngơ, gãi chân trong vô thức đến bật cả máu. Bà gạt nước mắt, rồi đi thắp nén nhang lên bàn thờ chồng. Cái bóng bà và người con đổ dài trong ánh đèn vàng lay lắt…
Ngừng một hồi lâu, tôi hỏi bà có mong ước gì không, bà liền nói “Chúng ta đã chiến thắng Mỹ trong chiến tranh. Nay, trong cuộc chiến vì nhân đạo, chúng ta nhất định phải thắng. Đó là công lý. Bằng chứng ư? Tui và bao nhiêu người nữa chịu khốn khố như vầy chưa đủ hay sao?”. Chia tay bà, nhìn nụ cười lơ ngơ trên khuôn mặt trẻ thơ của cô gái 40 tuổi, tôi càng hiểu mơ ước cháy bỏng đó không chỉ là của một người…
Câu trả lời cho những người vô cảm
Không chỉ ở Quảng Trị mà trên khắp đất nước Việt Nam còn nhiều hoàn cảnh như thế. Về những nơi mà nỗi đau đang ngày ngày lên tiếng, chứng kiến những người cha, người mẹ bất lực nhìn những đứa con mà mình rứt ruột đẻ ra phải sống đau đớn hay tồn tại bằng một đời sống thực vật… nước mắt của họ dường như đã cạn khô, chảy ngược vào trong thành một nỗi đau không gì tả xiết.
Vậy mà ở bên kia đại dương, giữa lòng nước Mỹ, người ta vẫn một mực phủ nhận trách nhiệm về 82 triệu lít hoá chất rải ở Việt Nam trong chiến tranh do 37 Cty Mỹ sản xuất đã cướp đi sinh mạng của hàng vạn đứa trẻ, và để lại hàng chục vạn đứa trẻ tật nguyền.
Công lý đang lên tiếng, tiếng nói của người dân thế giới, của người dân Việt Nam, của những người dân Mỹ… Và cả những tiếng ú ớ vô hồn của những nạn nhân chất độc màu da cam… lại có thứ sự thật nào thật hơn điều ấy?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét