Poisondioxin

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Dioxin: góc nhìn nhân văn của một nhà khoa học

Song song với hội nghị “Nối vòng tay lớn – Ủng hộ các nạn nhân CĐDC/dioxin VN” diễn ra ngày 25-7 tại TP.HCM, nhà xuất bản Trẻ vừa giới thiệu tập sách đặc biệt của tác giả Nguyễn Văn Tuấn với tên gọi “Chất độc da cam, dioxin và hệ quả”.
Tập sách là một công trình khảo cứu, biên soạn tương đối đầy đủ về cuộc hành trình của thuốc diệt cỏ từ ngày được thả xuống Việt Nam, đi qua cuộc chiến và để lại hệ quả đau xót cho đến ngày hôm nay. Tác giả trình bày nhiều vấn đề khoa học, luận cứ và luận chứng xác đáng, có độ tin cậy cao về những tác hại đang ám ảnh cuộc sống của nhiều gia đình người Việt.
Điểm đặc biệt là ông trình bày vấn đề bằng một giọng văn đại chúng, không có thuật ngữ, không có trích dẫn chuyên sâu nhưng vẫn làm cho người đọc, hiểu và cảm được cái tâm của một nhà khoa học đối với những nạn nhân là đồng bào của mình.
Tác giả là một nhà nghiên cứu y học cấp cao về di truyền học và loãng xương tại Viện Nghiên cứu y khoa Garvan tại Sydney, Australia. Ông còn giữ chức cựu giáo sư thuộc khoa Y, đại học Wright State, bang Ohio, Mỹ và giáo sư thỉnh giảng tại một số trướng đại học ở Mỹ, Thụy Sĩ, Hongkong và Thái Lan.
Nguyễn Văn Tuấn còn là tác giả của hơn 100 công trình nghiên cứu y học được công bố trên nhiều tập san y học toàn thế giới, được xem là một trong những tên tuổi quên thuộc nhất trong lĩnh vực nghiên cứu về dịch tễ học loãng xương trên trường quốc tế.
Ông là một trong những người Việt hiếm hoi được đào tạo ở bậc tiến sĩ và hậu tiến sĩ trong các ngành nội tiết học, di truyền dịch tễ học và thống kê sinh vật học.
Ông là thế, đã từng được vinh danh nhiều nơi trên xứ người, giờ ngồi viết sách cho đồng bào, vì đồng bào ở một góc nhỏ quê hương tại Kiên Giang.
Ông tâm sự về những trang sách: “Mỗi cuốn sách đều có một lịch sử, và cuốn sách này cũng không rơi vào ngoại lệ. Lúc còn bé, tôi đã từng chứng kiến những trận mưa dioxin và sự tàn phá khủng khiếp của nó ở Việt Nam.
Từ đó, tôi đã để tâm vào tiêu ra khá nhiều thời gian để tìm hiểu về ảnh hưởng của dioxin/chất màu da cam, dù chuyên môn của tôi là nghiên cứu về di truyền và nội tiết học… Cứ mỗi khi tiếp cận với những tranh luận trong giới khoa bảng phương tây chugn quanh đề tài này, tôi thấy mình có bổn phận phải làm một cái gì đó cho đồng bào từng chịu ảnh hưởng của dioxin…
Tiếng dội của cuộc chiến nào cũng kéo dài. Người ta thường nói rằng cái tội lớn nhất của con người không phải là sự thù ghét mà là sự lãnh đạm, và sự tàn bạo của con người với con người gây ra thương vong cho vài thế hệ con người.
Vì thế, tôi hi vọng rằng những thông tin trong sách này đã hay sẽ giúp ích cho bạn đọc để hiểu hơn về dioxin/chất màu da cam. Nếu bạn đọc tìm thấy một nhận xét có ích hay một thông tin thiết thực, thì điều đó cũng làm cho tôi vui lòng vì đã “làm được một cái gì đó” cho đồng huơng vẫn còn đang khốn khổ với độc chất…”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét