Poisondioxin

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Người nói thay cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam

Hơn 20 năm trời, người phóng viên ảnh Philip Jones Griffiths đã không hề mỏi gối chùn chân để chuyển tải thông điệp của các nạn nhân chất độc da cam đến những toà án lương tâm quốc tế. Câu chuyện được kể lại như sau…
Nỗi ám ảnh dằn vặt
… Khi đang tác nghiệp trên chiến trường Việt Nam, tôi đã nghe có rất nhiều báo cáo từ Hà Nội vào năm 1967 quả quyết là có hàng triệu người trở thành nạn nhân của hậu quả chiến tranh hoá học. Nhưng chính quyền Sài Gòn cương quyết chối bỏ và tuyên bố đây là tin vịt, còn những nhà báo đang ở miền Nam thì có quá ít cơ hội để làm sáng tỏ những thông tin từ Bắc Việt.
Mùa hè 1969, có một loạt bài báo xoay quanh chuyện bức ảnh chụp những em bé sơ sinh dị dạng của các bà mẹ bị phơi nhiễm chất độc da cam. Chính quyền Sài Gòn lúc đó cãi chày cãi cối và nguỵ biện cho đó là do ảnh hưởng của các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Chính quyền Thiệu ra lệnh đóng cửa các toà soạn báo đã can thiệp vào tình hình “nội bộ chiến sự.” Sau đó, việc điều tra về bất kỳ nạn nhân nào cũng gặp bế tắc.
Năm 1971, có tuyên bố về việc chất phun của Hoa Kỳ tại Việt Nam bị chính thức cấm rải vì những tác dụng phụ có hại. Các tờ báo đăng những câu chuyện đau lòng từ loại chất độc ấy nhưng không hề có một bức ảnh minh hoạ làm chứng. Mùa hè đó, tôi phải rời Việt Nam mà chưa hề gặp được một nạn nhân nào.
Chiến tranh kết thúc, tôi quay lại Việt Nam. Rất tình cờ mà tôi gặp những nạn nhân chất độc da cam đầu tiên trong chuyến trở lại lần này. Người tài xế chở tôi đi nói có một gia đình có 2 con gái mù mà tôi có thể đến gặp mặt được vào ngày hôm sau. Chuyện gặp mặt gia đình đó diễn ra thật xúc động. Người chồng vốn là tài xế trên đường mòn Hồ Chí Minh để chuyển hàng hoá cho chiến trường miền Nam. Cả 2 đứa con gái của anh từ khi sinh ra đã không hề có võng mạc mắt.
Câu chuyện về chất độc da cam ở Việt Nam của tôi ngày càng kéo dài và nặng nề hơn theo suốt những quãng đường dọc ngang đất nước này. Hành trang của tôi ngày một nhiều hơn hình ảnh đau lòng của những đứa trẻ với hốc mắt trống rỗng và thậm chí là những gương mặt khác không hề có dấu vết hình hài của một đôi mắt…
Hành trình tiếp tục đi tìm nhân chứng
Griffiths thu thập thêm tư liệu về sự biến dị gen từ chất độc da cam ở Bệnh viện Từ Dũ của TPHCM. Trong căn phòng tối chứa đầy những phôi thai dị dạng, Griffiths chụp những cặp phôi thai song sinh, những phôi cột sống bị cuốn xoắn vào nhau, những vỏ não bị biến dạng. Những hài nhi chưa kịp thành người và tất cả đều bị biến dạng nặng nề.
Dưới tài năng và tấm lòng nhân ái của người phóng viên ảnh này, những bức ảnh phôi thai đã chết kia đều mang theo linh hồn biết nói. Những cặp song sinh đang ôm chầm nhau hay chúng đang nắm tay nhau. Đối với Griffiths, ông không muốn đây chỉ là bộ sưu tập ảnh hình hài kỳ dị mà đây phải là những bức ảnh về con người và nói lên nhiều điều.
Ông kể, về cảm giác “khó ở” của mình khi đến các trại hay làng nuôi trẻ dị dạng: Một thanh niên 20 tuổi sống trong cơ thể của một đứa bé lên 10, vài đứa hú hét như thú, vài đứa cười điên loạn. Trong khi đó, những đứa khác nhìn trừng trừng trong khoảng thinh không nào đó tưởng như chúng đang tư duy, nhưng thật ra não của chúng bất di bất dịch.
Đối với những vị làm cha làm mẹ của bọn trẻ này, cuộc sống của họ hoàn toàn không thể nào giống như trước vì chuyện sinh đẻ chẳng khác nào một trò may rủi.
Nỗi khắc khoải về những số phận trong chiến tranh Việt Nam đã tiếp sức cho ông theo đuổi đề tài này suốt 22 năm qua. Từ nhiều khía cạnh khác nhau có thể thấy cuộc chiến tranh khủng khiếp và buồn bã ở Việt Nam chưa từng kết thúc.
Ông cha bà mẹ của những kiếp sinh linh bé nhỏ khốn khổ này vẫn đang hàng giờ, hàng ngày đấu tranh với cái đói và cái no, cái sống và cái chết, một tình yêu đủ lớn để tiếp tục bảo bọc hay chấm dứt chối bỏ chúng. Họ cơ cực lắm, và bất kỳ sự bồi thường nào của người Mỹ cũng có thể mang đến chút đổi khác cho cuộc sống hiện tại.
Người Mỹ lớn tiếng biện bạch là họ không thải chất độc da cam để sản sinh ra những thế hệ trẻ sơ sinh tàn tật mà đơn giản là họ chỉ dùng nó để diệt cỏ. Và dioxin chỉ là sản phẩm phụ ngoài ý muốn. Đó là cái cớ hoàn hảo để họ tỏ bày tấm lòng cao thượng đối với những nạn nhân này.
Griffiths nói, để có được cuốn sách “Chất độc da cam: Một sự huỷ hoại khác ở Việt Nam” được in ra – không dễ dàng chút nào và ông thật sự may mắn tìm ra được một nhà xuất bản đã rất dũng cảm. Đây là loại sách không dễ phát hành nhưng nó thật sự cần có mặt trong các thư viện trường học của nước Mỹ.
Ngoài phiên bản in ấn, tất cả tập ảnh của ông hiện đang được đăng tải tại một số trang web như Magnum Photos ( http://www.magnumphotos.com/ ), hay trên Musarium Photos ( http://www.musarium.com ). Bạn có thể rất khiếp đảm khi nhìn thấy những bức ảnh này. Mỗi một bức ảnh mà Philip Jones Griffiths để lại là một số phận, một mảnh đời, một câu chuyện thật khắc khoải nhưng cũng thật mãnh liệt một mầm xanh hy vọng.
Những bức ảnh này sẽ giày xéo lương tâm của những ai chối bỏ trách nhiệm gây ra tội ác và cũng là hành trang để những bạn bè từng chung vai sát cánh với ông tiếp tục đấu tranh giành được tiếng nói công lý.
Vài nét về Philip Jones Griffiths
- Sinh ngày 18-2-1936, tại Rhuddlan, Wales.
- Năm 1966, ông đến Việt Nam với tư cách đại diện cho Hãng thông tấn ảnh Magnum.
- Năm 1971, ông xuất bản tác phẩm Vietnam Inc. Tác phẩm đã gây tiếng vang ảnh hưởng mạnh đến làn sóng dư luận của quốc tế về cuộc chiến ở Việt Nam, đồng thời tác phẩm trở thành tác phẩm kinh điển của ngành nhiếp ảnh thế giới.
- Khi chiến tranh kết thúc, Philip Jones Griffiths thường xuyên trở lại Việt Nam
- Năm 2001, Vietnam Inc. được tái bản
- Năm 2004, xuất bản Agent Orange: “Collateral Damage” in Vietnam (tạm dịch: Chất độc da cam – sự huỷ hoại khác ở Việt Nam).
- Năm 2005, xuất bản tác phẩm “Vietnam at Peace”.
- Bị hành hạ bởi căn bệnh ung thư ruột kéo dài hơn 8 năm, đến ngày 18 tháng 3 năm 2008, ông qua đời tại London.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét