Poisondioxin

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Sự thật không thể phủ nhận

(HNM) – Năm 1959, Cơ quan Nghiên cứu chiến tranh của Hoa Kỳ đã diễn tập thành công việc rải hỗn hợp một số chất để phá huỷ mùa màng. Sự kiện này được Bộ Quốc phòng Mỹ ghi nhận và bắt đầu xây dựng chương trình rải các chất diệt cỏ và gây rụng lá tại chiến trường miền Nam Việt Nam để rồi nửa thế kỷ sau người ta vẫn nhắc đến đó là cuộc chiến tranh hoá học lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Chất độc da cam hay chất diệt cỏ?
Ngày 10-8-1961, lần đầu tiên quân Mỹ đã dùng máy bay để rải chất độc xuống khu vực phía Bắc thị xã Kon Tum. Trong gần 10 năm sau đó, Mỹ đã rải xuống Việt Nam khoảng 80 triệu lít chất độc hoá học (CĐHH), trong đó chủ yếu là chất độc da cam (CĐDC), một hỗn hợp của 2,4D và 2,4,5T. Theo các nhà khoa học, do công nghệ sản xuất 2,4,5T nên làm xuất hiện một sản phẩm phụ là dioxin (chất độc nhất trong các chất độc mà con người đã tìm ra) và với một lượng nhỏ cỡ một phần tỉ gam, dioxin đã có thể gây ung thư và tai biến sinh sản ở động vật thực nghiệm. Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga ước tính rằng, Mỹ đã dùng khoảng 1 tấn dioxin trong chiến tranh Việt Nam, cho thấy tác hại của nó sẽ khủng khiếp đến thế nào cho con người và môi sinh.
Theo TS Lê Kế Sơn (Bộ Tài nguyên – Môi trường), đến nay Chính phủ Mỹ và các công ty sản xuất hoá chất của Mỹ vẫn tránh dùng cụm từ CĐHH và chỉ thừa nhận đã dùng chất diệt cỏ, chất gây rụng lá như họ vẫn dùng ở các nơi khác. Trên thực tế chiến trường, quân đội Mỹ đã sử dụng một lượng rất lớn chất diệt cỏ và gây rụng lá với liều lượng gấp tới 20-30 lần nồng độ cho phép, huỷ diệt hệ sinh thái và tác động đến sức khoẻ con người. Đặc biệt, trong chất diệt cỏ, chất gây rụng lá có chứa dioxin, được giới khoa học, trong đó có các nhà khoa học Mỹ, chứng minh là có thể gây nên nhiều bệnh tật, nhất là bệnh ung thư, tai biến sinh sản và dị tật bẩm sinh. Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm thấy những dấu hiệu mang tính đặc trưng để phân biệt tác hại của dioxin với tác hại của một số yếu tố độc hại có thể có trong môi trường. Lợi dụng điều này, một số người tìm cách bác bỏ bằng chứng khoa học về tác hại của CĐHH có chứa dioxin ở Việt Nam .
Di chứng lâu dài
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy có hơn 25.000 thôn bản ở miền Nam Việt Nam bị rải CĐHH. Trong thời gian của cuộc chiến tranh hoá học, có 14 triệu dân sinh sống ở miền Nam và khoảng 2 triệu cán bộ, chiến sĩ miền Bắc chiến đấu ở miền Nam đã tiếp xúc với CĐHH ở mức độ khác nhau. Hiện có 3 khu vực “điểm nóng” còn bị ô nhiễm nặng dioxin là sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hoà và sân bay Phù Cát. Các nhà khoa học của ĐH Tổng hợp Columbia (Mỹ) đã ước tính ít nhất có 2,1 triệu người và nhiều nhất là 4,8 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng của CĐHH.
Do tính chất phức tạp của cơ chế gây bệnh, cộng với điều kiện theo dõi và chẩn đoán ở Việt Nam , nên chưa thể xác định đầy đủ số lượng nạn nhân CĐHH. Có không ít bệnh nhân đã chết vì những chủng bệnh không được chẩn đoán rõ. Có nhiều người chỉ mới trong giai đoạn ủ bệnh, nghĩa là mới có những biến đổi về chuyển hoá, thay đổi gen mà chưa có biểu hiện ra bên ngoài. Đến cuối năm 2006, đã có khoảng 200.000 nạn nhân CĐHH/dioxin và con cháu họ được Nhà nước trợ cấp hằng tháng.
TS Lê Kế Sơn cho biết thêm, điều đáng quan tâm nhất hiện nay là trẻ em bị dị tật bẩm sinh do CĐHH vì trong một điều tra 174.198 nạn nhân đã có 169.193 là thế hệ con và 5.505 thế hệ cháu. Khoảng 20 năm nữa, Việt Nam rất có thể phát hiện thêm dị tật bẩm sinh ở thế hệ kế tiếp khi một số nhà khoa học đã phát hiện thấy những biến đổi gen ở họ…
Năm 1970-1972, cố Giáo sư Tôn Thất Tùng đã phát hiện và có báo cáo khoa học về tác hại của CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam tại Hội nghị ung tư quốc tế tổ chức ở Pa-ri (Pháp). Nếu chỉ tính đến hội nghị dioxin quốc tế thì tính đến năm 2002 đã có 59 tập báo cáo, mỗi tập dày khoảng 500 trang, đăng tải các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trong lĩnh vực ảnh hưởng của CĐDC lên môi trường, sức khoẻ con người và các biện pháp xử lý tẩy độc cũng như chữa trị nạn nhân. Toà án và các công ty hoá chất của Mỹ không thể tảng lờ trước những bằng chứng rõ ràng trên.
Trong khi từ chối các bằng chứng từ phía Việt Nam thì có một sự thật khác là các công ty hoá chất Mỹ với sự dàn xếp của Toà án Mỹ đã phải chấp nhận trợ cấp cho các cựu binh Mỹ bị nhiễm CĐHH 180 triệu USD để đổi lấy việc họ rút đơn kiện. Chính điều này đã gián tiếp thừa nhận tác động của CĐHH đối với các cựu binh tham chiến tại Việt Nam . Rõ ràng, gánh nặng của hậu quả chiến tranh hoá học là không thể phủ nhận và hơn ai hết những người có lương tri sẽ không hành xử như phán quyết của Toà án tối cao Mỹ thời gian gần đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét